Bản tin

Tự động lấy nét dùng Chức Năng Live View

Các Bài Viết Liên Quan Có thể kiểm soát các điểm AF trong khi chụp ở chế độ Live View. Màn hình LCD lớn cho phép bạn xác định điểm cần lấy nét một cách trực quan hơn so với chụp qua khung ngắm. Trong bài viết này, chúng ta hãy nắm bắt các chế độ AF khác nhau khả dụng trong khi chụp ở chế độ Live View, cách chuyển đổi giữa các chế độ này, và cách di chuyển điểm AF. (Người trình bày: Ryosuke Takahashi)   Lấy nét tự động trong khi Chụp Ở Chế Độ Live View Như với chụp qua khung ngắm, bạn chỉ cần nhấn nút chụp để lấy nét ở điểm thích hợp trong khi chụp ở chế độ Live View. Nếu bạn muốn lấy nét thủ công ở một điểm cụ thể, sẽ cần phải thực hiện một thủ tục cài đặt nào đó. Trong phần sau đây, chúng ta hãy nắm bắt các chế độ AF khác nhau khả dụng trong khi chụp ở chế độ Live View, cách chuyển đổi giữa các chế độ này, và cách di chuyển điểm AF. Đối với các mẫu máy ảnh có trang bị màn hình cảm ứng, thao tác rất trực quan vì bạn chỉ cần phải chạm vào một phần của đối tượng trên màn hình để lấy nét. [1] Thay đổi giữa các Chế Độ AF [1] Hiển thị trình đơn Quick Control   Nhấn nút Q ở mặt sau thân máy.   [2] Chọn một chế độ AF   Để chuyển chế độ AF thành [FlexiZone – Single], hãy sử dụng các phím chéo lên/xuống để chọn biểu tượng ‘Chế Độ AF’ ở góc trên bên phải của màn hình, sau đó dùng các phím chéo trái/phải để chọn biểu tượng ’FlexiZone – Single’.   [3] Chế độ AF lúc này đã được thay đổi   Nhấn nút Q để xác nhận các lựa chọn chế độ AF. Hình dạng của điểm AF sẽ thay đổi.     [2] Di chuyển Điểm AF [1] Di chuyển điểm AF   Chạm vào đối tượng trên màn hình bạn muốn lấy nét để di chuyển điểm AF. Đối với các máy ảnh không hỗ trợ thao tác màn hình cảm ứng, di chuyển điểm AF bằng các phím chéo.   [2] Lấy nét   Nhấn một nửa nút chụp. Nét được lấy ở vị trí của điểm AF.   [3] Di chuyển vị trí để lấy nét   Chạm vào một đối tượng khác để di chuyển điểm AF và nhấn hờ nút chụp.   [4] Nét được lấy       Tính năng cửa trập cảm ứng sẽ nhả cửa trập khi bạn chạm vào màn hình Nếu bạn muốn có thao tác AF nhanh hơn, một tính năng mà bạn có thể sử dụng là ‘cửa trập cảm ứng’, tính năng này tự động nhả cửa trập ngay sau khi lấy nét. Chỉ cần chạm vào biểu tượng ’Cửa Trập Cảm Ứng’ nằm ở góc dưới bên trái của màn hình LCD để bật hoặc tắt tính năng này. Tính năng này cũng rất tiện khi bạn khó nhấn nút chụp, chẳng hạn như khi chụp ảnh ở góc cao hoặc góc thấp. Các loại Chế Độ AF trong khi chụp ở chế độ Live View Có bốn loại chế độ AF khả dụng trong khi chụp ở chế độ Live View. Chế độ ‘Face + Tracking’ tự động phát hiện và theo dõi khuôn mặt người, chế độ ‘FlexiZone – Single’ cho phép lấy nét thủ công ở một điểm duy nhất, chế độ ’FlexiZone – Multi’ chụp đối tượng dùng 9 vùng khác nhau, trong khi chế độ ’Quick Mode’ sử dụng 9 điểm AF theo cách tương tự như khi chụp qua khung ngắm. Tiếp theo, chúng ta fhãy xem xét những điểm khác biệt giữa từng chế độ. Face + Tracking Ở chế độ AF này, máy ảnh tự động phát hiện và lấy nét ở khuôn mặt trong ảnh. Điểm AF cũng có thể theo dõi chuyển động của khuôn mặt. Nếu có nhiều hơn một người trong ảnh, bạn có thể chọn nơi cần lấy nét bằng cách chạm vào người tương ứng. Ngoài khuôn mặt, bạn cũng có thể chạm vào một đồ vật khác trong ảnh để cho phép theo dõi lấy nét ở đồ vật đó.     FlexiZone – Multi Chạm vào màn hình LCD cho phép bạn chọn một trong 9 vùng, nhờ đó chụp đối tượng nằm bên trong vùng đó. Trong quá trình chọn tự động, máy ảnh được cài đặt sẵn để chọn một vùng gần tâm, và nét được lấy bằng cách ưu tiên đối tượng ở gần máy ảnh nhất.     FlexiZone – Single Đây là chế độ AF cơ bản nhất trong bốn loại. Bạn có thể chạm vào một điểm trên màn hình để chọn vị trí cần lấy nét. Việc chạm vào đối tượng bạn muốn để lấy nét ngay lập tức sẽ cài đặt điểm lấy nét ở đó. Có thể thực hiện lấy nét chính xác ngay cả khi đối tượng nằm gần rìa ảnh.     Quick Mode Chế độ AF này, sử dụng một cảm biến lệch pha, lấy nét bằng 9 điểm AF, một cách tương tự như chụp qua khung ngắm. Chạm vào một điểm trên màn hình sẽ cho phép bạn trực tiếp chọn một điểm AF.     Ryosuke Takahashi Sinh tại Aichi vào năm 1960, Takahashi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh tự do vào năm 1987 sau khi làm việc với một studio ảnh quảng cáo và một nhà xuất bản. Chụp ảnh cho các tạp chí lớn, anh đã đến nhiều nơi trên thế giới từ các cơ sở của anh tại Nhật Bản và Trung Quốc. Takahashi là thành viên của Japan Professional Photographers Society (JPS).

SD Card là gì?

SD Card (Secure Digital Card) là một định dạng thẻ nhớ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu chủ yếu dùng trên các thiết bị di động. Bài liên quan: Có phải bạn đang sử dụng thẻ SD phù hợp? SD Card, hay còn gọi là thẻ SD, được sản xuất và phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật của hiệp hội thẻ SD (SDA). SDA được thành lập ngày 28/1/2000 bởi các tập đoàn Matsushita, Panasonic, SanDisk, Nintendo, Toshiba…). Định dạng thẻ SD được chia làm 4 loại gồm: Hiệu suất tiêu chuẩn SDSC – Standard Capacity; Hiệu suất cao SDHC – High Capacity; Hiệu suất mở rộng SDXC - eXtended Capacity (SDXC); và loại thẻ kết hợp đầu vào/đầu ra với chức năng lưu trữ dữ liệu SDIO – input/output. Bốn định dạng này được được thiết kế dựa trên Ba hình thức, kích thước là: SD (tiêu chuẩn thông thường), miniSD (hình thức nhỏ hơn SD) và microSD (hình thức rất nhỏ). Tuy nhiên, định dạng thẻ SDXC không có hình thức mini còn định dạng SDIO không có hình thức micro. Kích thước Kích thước tiêu chuẩn (SD): SD (SDSC), SDHC, SDXC, SDIO 32 mm × 24 mm × 2.1 mm 32 mm × 24 mm × 1.4 mm (loại mỏng) Kích thước nhỏ (mini): miniSD, miniSDHC, miniSDIO 21.5 mm × 20 mm × 1.4 mm Kích thước rất nhỏ (micro): microSD, microSDHC, microSDXC 15 mm × 11 mm × 1.0 mm Các hãng sản xuất thẻ SD nổi tiếng: SanDisk, Toshiba, Panasonic, Lexar, Transcend, Kingmax, Kingston… Theo hiệp hội các nhà sản xuất thẻ SD công bố vào khoảng tháng 6/2012 thì định dạng SDXC sẽ đẩy dung lượng thẻ lên tới 64GB trong đầu năm tới và tương lai lên đến 2TB. Tùng Anh

Tận dụng các hiệu ứng ánh sáng trên ảnh chụp

Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất trong mọi bức ảnh mà bạn chụp. Tuy nhiên có nhiều dạng ánh sáng khác nhau và chúng có hiệu ứng khác nhau trên ảnh. Bài viết giúp bạn hiểu rõ 3 dạng ánh sáng: khuếch tán (diffused), chiếu ngược (backlight), phản xạ (reflected) và cách sử dụng chúng trong nhiếp ảnh. Sẽ có những lúc mà khung cảnh bạn chụp chỉ có một loại ánh sáng, hoặc có những trường hợp có nhiều loại ánh sáng cùng một lúc và bạn phải lựa chọn loại ánh sáng nào thích hợp. Ánh sáng cũng quyết định phong cách chụp ảnh của một số nhiếp ảnh gia và một số người chỉ chuyên chụp bằng một kiểu ảnh sáng nhất định. Việc phát hiện các dạng ánh sáng khác nhau và biết cách ứng dụng chúng sẽ giúp bạn tận dụng mọi ưu điểm của cảnh vật đồng thời tăng thêm độ sâu, sự đa dạng cũng như thể hiện được cá tính của bạn trong mỗi bức ảnh. Ánh sáng khuếch tán Ánh sáng khuếch tán là dạng ánh sáng không chiếu trực tiếp và không gắt, nó đã được làm dịu đi bởi một yếu tố nào đó. Chẳng hạn, khi bạn đang ở ngoài trời và mặt trời đang tỏa nắng rực rỡ mà trên trời không có một gợn mây, khi ấy ánh sáng sẽ rất gắt và bạn sẽ thấy bóng đổ rất rõ trên hoặc xung quanh chủ thể của bạn. Nhưng nếu có mấy trên trời và chúng làm dịu đi ánh mặt trời thì ánh sáng khi đó trở nên khuếch tán. Bạn cũng có thể tìm thấy ánh sáng khuếch tán dưới bóng râm của cây cối, khi mà ánh mặt trời đã được các tán cây làm dịu đi. Bạn có thể tận dụng ánh sáng khuếch tán để chụp những bức ảnh tuyệt vời. Nếu bạn chụp chân dung vào một ngày dịu nắng (tức ánh sáng khuếch tán), thì nghĩa là bạn đang có một hộp chụp softbox của thiên nhiên. Bạn sẽ dễ làm việc với chủ thể hơn và có thể chụp từ nhiều góc khác nhau, bởi vì bạn sẽ không bị giới hạn bởi các vệt nắng và bóng đổ mà ánh sáng gắt có thể tạo ra. Nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích chụp với ánh sáng khuếch tán bởi ánh sáng trải đều trên cảnh vật. Bức ảnh này là một ví dụ của việc sử dụng ánh sáng khuếch tán, sử dụng bóng mát của tòa nhà để làm dịu ánh sáng, đồng thời cũng phản chiếu sáng hắt vào đối tượng. Ánh sáng chiếu ngược Chụp ngược sáng là cách chiếu sáng chủ đề của bạn từ phía sau, chứ không phải từ phía trước, hoặc từ hai bên. Bằng cách sử dụng ánh sáng chiếu ngược, bạn có thể tạo hiệu ứng bóng đổ ngược sáng (sihouette) hoặc hiệu ứng tỏa sáng (glow) cho đối tượng. Hiệu ứng sihouette Hiệu ứng glow Để tạo hiệu ứng sihouette, bạn thực hiện đo sáng trên nền trời, còn để tạo hiệu ứng glow, bạn đo sáng ngay trên đối tượng. Bạn cần đặt chủ đề của bạn ở phía trước nguồn sáng và cho phép ánh sáng chiếu sáng chủ đề. Nếu bạn đang sử dụng ánh nắng mặt trời làm nguồn sáng, các khoảng thời gian khác nhau trong ngày sẽ mang lại cho bạn những kiểu ánh sáng chiếu ngược khác nhau. Mặt trời càng xuống thấp thì ánh sáng sẽ càng dịu đi. Bạn có thể thấy rằng đôi khi bạn sẽ phải di chuyển tới một vị trí mà máy ảnh của bạn có thể tự động lấy nét hoặc chuyển sang chế độ chỉnh tay, vì ánh sáng có thể rất mạnh đến nỗi máy ảnh phải vất vả để tìm thấy những điểm bạn muốn lấy nét. Ánh sáng phản xạ Ánh sáng phản xạ có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, trên hầu hết các bề mặt. Ánh sáng phản xạ theo nghĩa đen là ánh sáng được phản chiếu từ một bề mặt hoặc vật liệu nào đó. Nếu bạn chụp chân dung bên cạnh một tòa nhà màu trắng, ánh sáng chiếu vào tòa nhà sẽ được phản xạ vào chủ đề của bạn, tạo ra một hiệu ứng ánh sáng rất mềm mại. Nếu bạn đang ở giữa những dãy núi Atlas màu đỏ của Ma-rốc và chụp chân dung, bạn sẽ thấy có màu đỏ phản chiếu nhẹ nhàng đến chủ đề của bạn từ mặt đất. Hoặc, nếu bạn đang chụp chân dung ngoài trời và muốn có thêm một chút ánh sáng trên khuôn mặt đối tượng, bạn có thể sử dụng một tấm hắt sáng (reflector). Dụng cụ này thường có hai màu sắc: một mặt màu vàng, một mặt màu trắng. Ánh sáng phản xạ có xu hướng khá mềm và mang theo màu sắc của bề mặt hoặc vật liệu mà từ đó ánh sáng hắt ngược trở lại sau khi chạm vào bề mặt hoặc vật liệu. Khi dùng mặt màu vàng của tấm hắt sáng, bạn sẽ tạo ra ánh sáng phản xạ ấm áp trên khuôn mặt của đối tượng. Đông Phong Trường nhiếp ảnh kỹ thuật số Theo

7 mẹo để có những bức ảnh “người bay” tuyệt vời

Những hình ảnh "người bay" thực sự rất ấn tượng! Họ quyến rũ người xem và tạo cho họ suy nghĩ về những điều kỳ diệu. Nếu bạn tìm kiếm trên Internet về những bức ảnh "người bay" bạn sẽ thấy nhiều ví dụ tuyệt vời. Tuy nhiên, để chụp được những bức ảnh này nhiếp ảnh gia phải bỏ ra rất nhiều công sức để tạo ra các bức ảnh bay và đây còn là một thể loại nhiếp ảnh mới gọi là levitation photography. Hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hình thức cơ bản nhất để tạo ra những bức ảnh "người bay" là hợp hai hoặc nhiều hình ảnh bằng phần mềm chỉnh sửa. Bài viết này sẽ chỉ cho bạn một số mẹo đơn giản để tạo ra những bức ảnh "người bay" ấn tượng. Bài viết được VnReview chuyển ngữ từ trang công nghệ Digital Photography. Chuẩn bị chụp Mẹo 1. Chuẩn bị "đồ nghề" Để tạo ra một bức ảnh bay bạn cần phải có: một máy ảnh (có khả năng lấy nét thủ công), chân máy, một người mẫu, một người hỗ trợ (nếu như người mẫu của bạn có tóc trung bình hoặc dài), một công cụ để nâng, đỡ người mẫu (ghế, hoặc bậc thang). Nếu bạn có một máy ảnh có chức năng điều khiển từ xa, hãy mang nó theo. Mẹo 2. Chuẩn bị trang phục cho người mẫu Quần áo đồng màu là phù hợp nhất. Các mẫu hoa văn có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc tạo ra những bản sao của các phần nhất định của quần áo hoặc vải mềm. Đừng để người mẫu của bạn mặc áo jacket hoặc áo len. Khi người mẫu trong tư thế lộn ngược hoặc nằm ngang, quần áo thông thường sẽ rũ xuống. Nhưng khi anh/cô ấy nằm trên một chiếc ghế, áo khoác sẽ không rũ xuống tự nhiên nên bức ảnh sẽ kém thực tế. Nếu bạn chụp ảnh bay cho người mẫu nữ thì váy hoặc đầm ngắn, dài hay có những dải vải mềm thêm vào sẽ giúp ích cho bạn. Mẹo 3. Chụp trong ngày nhiều mây Ánh sáng mặt trời và bóng quá rõ sẽ khiến bạn phải vất vả hơn trong quá trình xử lý ảnh sau khi chụp để tạo ra được những chi tiết giả có bóng đổ hợp lý. Trong khi chụp Mẹo 4. Chụp từ một góc thấp Bạn nên chụp từ một góc độ thấp để cung cấp cho người xem ảo tưởng rằng đối tượng bạn chụp đang bay cao trong không trung. Tuy nhiên, hãy chú ý đừng để góc độ quá thấp. Nếu bạn chụp ở góc độ thấp hơn giá đỡ mà người mẫu của bạn đang nằm/đứng trên, giá đỡ sẽ che đi một phần cơ thể của người mẫu. Tốt nhất bạn nên chụp với góc ngang bằng với đỉnh giá đỡ người mẫu. Để mẫu của bạn nằm/đứng nhiều hơn về phía trước giá đỡ sẽ làm giảm khả năng những phần cơ thể của người mẫu bị che bởi giá đỡ. Nếu chụp ở góc quá thấp thì đạo cụ sẽ che đi một phần của cơ thể người mẫu Mẹo 5. Luôn chụp một ảnh nền trống Khi chuẩn bị chụp khung cảnh sẽ tạo ra bức ảnh bay hoàn chỉnh của bạn hãy làm theo cách sau: 1. Thiết lập bức ảnh với người mẫu trong khung. 2. Tính toán góc mà bạn sẽ chụp từ đó và đặt camera trên chân máy. 3. Khi người mẫu của bạn đã vào vị trí, chọn điểm lấy nét trên đối tượng. 4. Thiết lập máy ảnh của bạn để lấy nét bằng tay mà không chạm vào nói. 5. Chụp những bức ảnh khác nhau theo gợi ý dưới đây, trong Mẹo 6, mà không cần di chuyển điểm lấy nét hoặc máy ảnh của bạn. 6. Sau khi chắc chắn rằng đã chụp tất cả những hình ảnh bạn cần với người mẫu và đạo cụ, loại bỏ tất cả mọi thứ ra khỏi khung hình và chụp một bức ảnh nền trống. Đây là bức ảnh quan trọng nhất mà bạn cần chụp. Mẹo 6. Chụp nhiều bức để tạo ra một bức Hầu hết những bức ảnh người bay cơ bản thường được ghép bởi hai hoặc nhiều bức ảnh. Ở mức tối thiểu, bạn sẽ cần ít nhất một bức ảnh chụp nền và một bức ảnh chụp người mẫu ở trong cùng nền đó và góc chụp đó.. Hầu hết những bức ảnh bay tuyệt vời đều được ghép từ rất nhiều bức ảnh để thêm sự thú vị và khiến bức ảnh cuối cùng trông ấn tượng hơn. Dưới đây là những gì bạn cần làm để tạo ra một bức ảnh cụ thể trong minh họa dưới đây: 1. Người mẫu trên đạo cụ (xe đạp), tiêu điểm của bức ảnh này là những gì tay, chân và cơ thể đang làm. 2. Tóc và biểu hiện trên khuôn mặt, tiêu điểm của bức ảnh này là để nắm bắt được những biểu hiện của người mẫu và chuyển động của tóc tự nhiên giống như những gì sẽ xảy ra khi người mẫu thực sự ở trong tư thế này (bay thẳng lên, bay về phía sau cô ấy..v.v). Máy sấy tóc hoặc một chiếc quạt yếu sẽ không đủ để đẩy tóc theo các hướng cụ thể. Tóc càng dài, càng dày thì cần một chiếc quạt càng mạnh. 3. Quần áo, tiêu điểm của bức ảnh này là nắm bắt sự chuyển động của quần áo (nếu cần). Nếu người mẫu của bạn đang được kéo về một hướng thì vải mềm sẽ di chuyển về hướng nào? 4. Đạo cụ bổ sung, tiêu điểm của bức ảnh này tập trung vào những đạo cụ mà bạn muốn thêm vào trong hình (nếu muốn). Ở trường hợp này chính là chiếc xe đạp. 5. Nền trống, xem Mẹo 5 để tìm hiểu về tầm quan trọng của bức ảnh này. Nhìn bức ảnh số 2 chúng ta có thể thấy một chiếc quạt mạnh còn quan trọng hơn một người trợ lý, quạt sẽ giúp mái tóc bay về phía sau một cách tự nhiên hơn. Trong ảnh này chúng ta không cần chụp ảnh đạo cụ bổ sung nên không có bức ảnh số 4 Sau khi chụp Mẹo 7. Ghép các bức ảnh lại với nhau Rất nhiều nhiếp ảnh gia "chụp ảnh bay" đã sử dụng Adobe Lightroom và Photoshop để tạo ra những bức ảnh hoàn chỉnh. Dù chọn phần mềm nào chăng nữa thì bạn việc đầu tiên bạn nên làm là chỉnh sửa màu đồng bộ cho tất cả các bức ảnh. Lightroom có tính năng đồng bộ tuyệt vời để đảm bảo các thiết lập chính xác được áp dụng cho toàn bộ các bức ảnh. Tiếp theo, mở các hình ảnh trong một phần mềm chỉnh sửa như Photoshop. Bắt đầu với hình nền trồng. Sau đó thêm vào hình ảnh chính của người mẫu như một lớp (layer) với mặt nạ (mask) "Reveal All". Sử dụng cọ màu đen trên mặt nạ để loại bỏ các đạo cụ hỗ trợ người mẫu. Các bước quá trình được mô tả ở dưới ảnh minh họa. Lặp lại các bước cho mỗi khung hình bạn muốn thêm. Cuối cùng, bạn có thể hợp nhất các lớp và chỉnh sửa mọi thứ còn lại trên bức ảnh hoàn chỉnh. Hoàn thành công việc và thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của bạn và chia sẻ nó với bạn bè. 1-Ảnh nền trống đượt đặt ở layer dưới cùng với ảnh người mẫu ở bên trên. 2-Chọn hình ảnh người mẫu và nhấp vào Layer>Layer Mask>Reveal All. 3-Chọn cọ (paintbrush), đảm bảo rằng nó có màu đen. 4-Quét cọ qua những đạo cụ mà bạn không muốn hiển thị trong bức ảnh hoàn chỉnh. Tạo ra một bức hình người bay sẽ giúp trí tưởng tượng của bạn thành "thực tế". Không để cho định luật vật lý ngăn cấm bạn sáng tạo nghệ thuật chân chính. Tới lượt bạn Bạn đã bao giờ cố gắng chụp một bức ảnh người bay chưa? Nếu có thì kinh nghiệm của bạn là gì? Bạn có bất kỳ lời khuyên nào bổ sung cho những người mới bắt đầu hay không? Hãy chia sẻ với VnReview và các độc giả khác ở phần bình luận bên dưới. Ngoài ra, bạn hãy chia sẻ đường dẫn tới những tác phẩm của bạn để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Để có thêm nguồn cảm hứng bạn cũng có thể nhấp xem những bức ảnh người bay ấn tượng dưới đây. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên. Hoàng Kỷ Theo Digital Photography

Mẹo "lấy nét trước" trong nhiếp ảnh

Chụp những tấm ảnh mà chủ thể đang chuyển động không phải là một công việc dễ dàng. Những chủ thể đang chuyển động có thể là một chiếc xe đua đang phóng như bay, hoặc một con sên đang bò dưới đất... không phải dễ dàng. Để chụp được những tấm ảnh này, ngoài tính năng của máy ảnh còn cần đến một chút thủ thuật của người cầm máy. VnReview xin giới thiệu với các bạn thủ thuật "lấy nét trước" (pre-focus) được đăng tải trên trangThePhoblographer: Lấy nét trước là gì? Đối với chủ thể đang chuyển động, khả năng bắt hình và lấy nét của các máy ảnh thể hiện rõ "đẳng cấp" của máy. Có những chiếc máy có tốc độ bắt hình rất nhanh, trong khi có những chiếc máy mất rất nhiều thời gian để lấy nét đối tượng đang di chuyển chậm chạp. Đó là lý do vì sao các nhà nhiếp ảnh thể thao thường chọn những chiếc máy DSRL đắt tiền bởi vì chúng có hệ thống khóa hình và lấy nét rất tiên tiến. Nếu bạn là người thường xuyên chụp những bức ảnh chuyển động, thì việc trang bị cho mình một chiếc máy như trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, có những chuyển động rất khó bắt hình, chẳng hạn như vận động viên tennis đánh trả một đường bóng sang sân đối phương. Lúc đó, bạn cần phải có một kỹ năng gọi là "lấy nét trước" (pre focus) Ở trên máy SRL có cái nút nhỏ bên hông ống kính ghi là auto-manual, bình thường chúng ta thường để ở chế độ Auto, để chuyển qua chế độ lấy nét bằng tay (manual focus) thì chúng ta gạt qua chế độ Manual rồi dùng tay xoay ống kính để lấy focus vào khoảng cách mình muốn chụp, chuyên môn gọi là pre-focus. Một dạng lấy nét trước rồi khóa nét sau hay còn gọi là "nhắm bắn" khi đối tượng chưa tới. Dùng máy ảnh điều chỉnh bằng tay để lấy nét một đứa trẻ hiếu động như con tôi thực sự là một thử thách. Vì thế tôi đã phải dùng mẹo là phán đoán trước hướng di chuyển của bé, chuyển ống kính về hướng đó để "lấy nét trước". Khi bé di chuyển đến điểm đã lấy nét, tôi mới bấm nút chụp. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng thành công, mặc dù thằng bé đã di chuyển vào đúng điểm tôi phán đoán. Phần lớn các bức ảnh mà tôi chụp được thực hiện trong nhà với điều kiện ánh sáng tối và khẩu độ lớn, vì thế chỉ một chút sai lệch nhỏ cũng khiến cho tấm ảnh mất nét. Để có một bức ảnh "lấy nét trước" thành công, bạn cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau: - "Lấy nét trước" chỉ thực sự hiệu quả khi bạn phán đoán chính xác hướng di chuyển của chủ thể. - Bức ảnh "lấy nét trước" sẽ rất đẹp nếu bạn dùng máy ảnh điều chỉnh bằng tay. Tuy nhiên bạn cũng có thể dùng những máy ảnh tự động lấy nét. - Trong phần lớn trường hợp, thủ thuật "lấy nét trước" yêu cầu khẩu độ nhỏ để chủ thể không bị mất nét. Với máy ảnh điều chỉnh bằng tay, điều bạn cần làm chỉ là hướng máy vào một điểm mà bạn chắc chắn rằng chủ thể sẽ đi tới, chờ đợi rồi bấm máy. Phần lớn các máy ảnh DSLR hiện đại không thể thực hiện các thao tác tinh chỉnh bằng tay thông qua kính ngắm mà bạn phải sử dụng chức năng xem trực tiếp (live-view) trên màn hình. Các máy ảnh không gương lật (mirrorless camera) cũng như vậy. Với máy ảnh dùng ống kính lấy nét tự động, bạn cần phải gỡ bỏ tính năng này khỏi nút chụp (shutter button). Phần lớn các máy ảnh DSLR và máy ảnh không gương lật cung cấp hai lựa chọn cho người chụp ảnh: Bạn có thể có một nút bấm với hai chức năng là tự động phơi sáng (AE) hoặc tự động lấy nét (AF), hoặc sử dụng hai nút riêng cho AE và AF. Khi sử dụng hai nút riêng, một nút sẽ chuyên trách việc tự động lấy nét, còn nút kia (thường là nút chụp) sẽ chuyên trách việc đo và phơi sáng. Khi bạn đã gỡ bỏ tính năng AF khỏi nút chụp, thì điều bạn cần làm là bấm vào nút AF riêng để lấy nét vào điểm mà bạn phán đoán chủ thể sẽ di chuyển tới (chẳng hạn như bạn lấy nét vào nhụy hoa trước khi con ong bay tới). Chỉnh lại khung hình để đảm bảo chủ thể có mặt trọn vẹn bên trong. Bấm vào nút chụp khi chủ thể vào đúng vị trí. "Lấy nét trước" là một thủ thuật mà bạn sẽ phải thử và thất bại nhiều lần thì mới nắm được bí quyết thành công. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm rằng chỉ cần thất bại vài lần là bạn đã có thể làm chủ kỹ thuật này. Không cần tốn quá nhiều sức lực đâu! Đăng Khoa Theo ThePhoblographer

Sử dụng đúng cách và bảo quản thẻ nhớ

Bạn đã nghe khá nhiều thông tin đại loại như không nên dùng thẻ nhớ trên nhiều máy ảnh khác nhau vì sẽ bị...hỏng. Điều này là không chính xác. Nếu bạn tháo lắp thẻ nhớ đúng cách thì cấu trúc của nó không hề bị thay đổi cho dù nó được dùng với nhiều loại máy ảnh khác nhau. Khi lắp thẻ nhớ vào máy ảnh bạn lưu ý để cho các khe trượt của thẻ CF khớp với các gờ của máy ảnh nhé và sau đó nhẹ nhàng ấn thẻ nhớ vào trong. Tương tự cho lúc tháo thẻ nhớ ra khỏi máy ảnh, bạn cần bấm nút đẩy thẻ nhớ ra một cách dứt khoát và nhẹ nhàng. Bạn cần lưu ý với các loại đầu đọc thẻ của Tầu nhé, giá rẻ nhưng thiết kế không chính xác sẽ làm hỏng các chân thẻ (pins) đấy.Nếu bạn không sử dụng máy ảnh lâu ngày thì nên tháo thẻ nhớ ra khỏi máy, cất vào trong hộp nhựa của thẻ và để nơi khô ráo. Thẻ nhớ tuyệt đối phải được tránh bụi và độ ẩm cao. Với một vài hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân, hy vọng bạn đã đượcgiải đáp phần nào những thắc mắc của các bạn về dùng thẻ nhớ khi chụp ảnh.

Tìm hiểu về phơi sáng và tam giác phơi sáng trong nhiếp ảnh

Nếu bạn thích chụp ảnh và đang "mon men" bước vào thế giới nhiếp ảnh đầy màu sắc, hẳn bạn sẽ gặp phải thuật ngữ exposure (phơi sáng) và phải học cách tính toán 3 thông số của tam giác phơi sáng để có được những bức ảnh như ý. Bài viết sẽ giúp bạn nắm được một số nguyên tắc cơ bản về cơ chế phơi sáng trong nhiếp ảnh. Bài viết được VnReview tổng hợp từ một số bài viết của nhiều tác giả khác nhau như Bryan Peterson, Darren Rowse, Andrew S Gibson, Neil Creek đăng trên trang Digital Photography School, cùng một số bài viết về chủ đề này trên Internet. Phơi sáng và tam giác phơi sáng là gì? Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số ngày nay đều được trang bị một loạt các chế độ chụp tự động mà máy ảnh sẽ quyết định tất cả các thiết lập cho bạn, bạn chỉ cần giơ máy lên ngắm và chụp. Đây là một cách tuyệt vời để bắt đầu chụp ảnh, nhưng đó không phải là mục tiêu của nhiếp ảnh, vì nó không thể hiện được khả năng sáng tạo và cảm xúc của người chụp ảnh, cho dù ảnh chụp bằng chế độ tự động cũng có nhiều bức ảnh đẹp. Tìm hiểu cách thiết lập bằng tay các thông số chụp là bước tiếp theo để bạn thực sự gia nhập thế giới nhiếp ảnh. Theo Wikipedia, "phơi sáng là tổng lượng ánh sáng được phép lọt vào môi trường chụp ảnh trong suốt quá trình chụp một bức ảnh", trong đó môi trường chụp ảnh được hiểu là chip cảm biến trên máy ảnh kỹ thuật số hoặc các hạt hóa học màu bạc trên máy ảnh phim. Trong nhiếp ảnh, "phơi sáng" (exposure) là một thuật ngữ được dùng để đánh giá một bức ảnh có bị thừa sáng hay thiếu sáng không. Một bức ảnh có mức phơi sáng chính xác là bức ảnh gây được cảm xúc "đẹp" với mắt người xem và chủ đề của bức ảnh được nhận ra rõ rệt. Với thực tế ánh sáng trong tự nhiên và cả ánh sáng nhân tạo đều biến đổi trong từng hoàn cảnh chụp, máy ảnh đôi khi không tính toán được mức phơi sáng phù hợp, khi đó bạn sẽ cần phải tự tay điều chỉnh để bù phơi sáng, hay bù sáng (exposure compensation). Nhiệm vụ của bạn khi chụp ảnh là tìm ra một mức phơi sáng phù hợp với hoàn cảnh chụp. Một chủ đề được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời giữa trưa trên một bãi biển sẽ sáng hơn 4000 lần so với cùng một chủ đề được chiếu sáng dưới ánh trăng. Để hỗ trợ bạn, máy ảnh cung cấp cho bạn các giá trị phơi sáng (exposure value, viết tắt là EV) dùng để đo độ sáng. Trên các máy ảnh, 1 EV = 0 có nghĩa là hình ảnh được phơi sáng trong 1 giây ở tiêu cự f1, mỗi một nấc điều chỉnh lên xuống sẽ tăng hoặc giảm độ sáng. EV =1 sẽ tăng gấp đôi độ sáng so với EV=0, EV=3 tăng 8 lần độ sáng, EV=-2 là giảm 1/4 độ sáng… Cứ mỗi một nấc điều chỉnh EV được gọi là một "stop". Và "stop" cũng dùng để nói về mỗi một nấc điều chỉnh trong các thiết lập của "tam giác phơi sáng". Bức ảnh ở hình bên cho bạn thấy rõ độ sáng của ảnh mỗi khi thay đổi một stop của EV. Tam giác phơi sáng là khái niệm dùng để chỉ 3 yếu tố liên quan mật thiết đến việc phơi sáng một bức ảnh, đó là ISO (độ nhạy sáng), Shutter Speed (tốc độ màn trập), Aperture (khẩu độ, tức độ mở của ống kính). Tìm hiểu thêm về cách căn chỉnh các thông số này tại đây. Hiểu một cách nôm na, khẩu độ là độ mở của ống kính được điều chỉnh to hoặc nhỏ để cho ánh sáng lọt vào cảm biến nhiều hay ít. Màn trập là cánh cửa cho phép ánh sáng đi vào cảm biến, cửa mở lâu hay nhanh cũng sẽ tác động đến lượng ánh sáng được phép đi vào cảm biến. Cuối cùng, ISO vốn là thông số cho biết độ nhạy cảm với ánh sáng của phim trong máy ảnh, nhưng với máy ảnh kỹ thuật số nó dùng để chỉ lượng thông tin về ánh sáng thu thập được bởi bộ cảm biến, có thể dễ dàng điều chỉnh bằng một bánh xe xoay. Ba thông số này có liên quan mật thiết với nhau, khi bạn điều chỉnh thông số này thì bắt buộc hai thông số kia cũng phải điều chỉnh theo, và thường là máy ảnh sẽ tự động làm việc này. Làm thế nào để điều chỉnh chính xác được ba thông số này để cho ra một bức ảnh có độ sáng thích hợp là cả một nghệ thuật và đó chính là điều thể hiện sự sáng tạo cũng như "đẳng cấp" của mỗi nhiếp ảnh gia. Tam giác phơi sáng, thể hiện sự thay đổi của 3 thông số sẽ mang lại tác động lên ảnh chụp như thế nào Để hiểu hơn về tam giác phơi sáng, bạn có thể hình dung hai hình ảnh ẩn dụ dưới đây: - Cửa sổ: Hãy tưởng tượng máy ảnh của bạn giống như một cửa sổ với những cửa chớp mở và đóng. Khẩu độ là kích thước của cửa sổ. Nếu nó lớn hơn thì nhiều ánh sáng được lọt qua và căn phòng sáng hơn. Tốc độ màn trập là lượng thời gian mà các cửa chớp của cửa sổ đang ở trạng thái mở. Bạn càng để mở cửa sổ bao lâu thì ánh sáng càng được tràn vào phòng bấy lâu. Bây giờ, tưởng tượng rằng bạn đang ở trong phòng và đang đeo kính râm, đôi mắt của bạn trở nên kém nhạy với ánh sáng đi vào, giống như cảm biến nằm trong máy ảnh (ISO thấp). Có một số cách để tăng lượng ánh sáng trong phòng (tức bên trong máy ảnh): bạn có thể tăng thời gian cửa chớp mở cửa (giảm tốc độ màn trập, tức là màn trập mở lâu hơn), bạn có thể tăng kích thước của cửa sổ (tăng khẩu độ) hoặc bạn có thể cất cái kính râm đi (tăng ISO lớn hơn). - Tắm nắng: Một cách khác để hình dung cách thức máy ảnh thực hiện phơi sáng, đó là tưởng tượng về cách thức mà một người muốn có một làn da rám nắng bằng cách tắm nắng. Để có một làn da rám nắng, mọi người thường chỉ đơn giản là nằm phơi mình dưới ánh nắng. Mức độ rám nắng của làn da sẽ giống như là độ nhạy ISO trong máy ảnh. Một số người sẽ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn những người khác, nên màu da của họ sẽ khác nhau. Tốc độ màn trập trong phép ẩn dụ này là khoảng thời gian bạn dành ra để phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Càng phơi nắng lâu thì da bạn càng rám hơn, và tất nhiên nếu phơi nắng quá lâu thì có thể bị cháy da, giống như bức ảnh của bạn sẽ bị dư sáng hoặc cũng có thể gọi là "cháy" vì có quá nhiều ánh sáng. Khẩu độ Aperture có thể xem như kem chống nắng mà bạn dùng cho làn da của bạn. Khi bạn dùng kem chống nắng ở cường độ cao và dày thì bạn giảm được lượng ánh sáng mặt trời xuyên qua làn da - và kết quả là ngay cả một người có làn da nhạy cảm cao có thể dành nhiều thời gian hơn dưới ánh nắng mặt trời (tức là giảm độ mở ống kính và bạn có thể làm chậm tốc độ màn trập và/hoặc giảm ISO). Cả hai hình ảnh ẩn dụ về cửa sổ và tắm nắng này không phải là hoàn hảo nhưng đều có thể minh họa sự liên kết của tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO trên máy ảnh kỹ thuật số của bạn. Sử dụng thích hợp các chế độ phơi sáng Máy ảnh số hiện nay cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn để thay đổi mức độ phơi sáng, bạn cần biết cách điều chỉnh tam giác phơi sáng hợp lý trong từng hoàn cảnh và đúng với ý đồ của bạn khi chụp. Lựa chọn chế độ chụp nào hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và cả phong cách chụp ảnh của bạn. Bạn có thể sử dụng nút điều chỉnh EV trong chế độ P (programed auto), S hoặc Tv (shutter priority) hoặc A (aperture priority). Bạn không thể điều chỉnh EV để thực hiện các bức ảnh dư sáng hoặc thiếu sáng trong chế độ M (manual, chỉnh tay hoàn toàn), bởi bạn sẽ tự kiểm soát cả tốc độ màn trập và khẩu độ, máy ảnh không tính toán gì cho bạn cả. Program AE là chế độ phơi sáng tự động, đây là một tính năng hữu ích thường thấy trên máy ảnh DSLR. Chế độ này khác với chế độ tự động hoàn toàn (Auto), ở chỗ nó cho phép bạn khả năng để "ghi đè" lên các quyết định của máy ảnh, nghĩa là sau khi máy ảnh đã tính toán và chọn ra các thông số chụp, bạn vẫn có thể thay đổi thiết lập phơi sáng nếu bạn không thích các thiết lập mà máy ảnh đã chọn. Ví dụ, nếu máy ảnh của bạn đã thiết lập ở khẩu độ f8, tốc độ 1/250 giây và ISO 200, nhưng bạn muốn có một khẩu độ lớn hơn, bạn có thể sử dụng nút chỉnh phơi sáng để thay đổi các thiết lập về khẩu độ f4 tốc độ 1/1000 giây. Mức độ phơi sáng của hai thiết lập này là như nhau, nhưng hiệu quả mang lại sẽ khác nhau. Trong chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn chọn khẩu độ và máy ảnh của bạn sẽ tự động thiết lập tốc độ màn trập theo ISO. Bạn có thể kiểm soát tốc độ màn trập gián tiếp bằng cách thay đổi các mức ISO. Trong bức ảnh này, tác giả đã sử dụng khẩu độ f22 để đảm bảo rằng tất cả các phần của bức ảnh này được lấy nét, từ những tảng đá ở mặt trước và các vách đá ở đằng xa. Lưu ý, độ sâu trường ảnh Depth-of-field (DOF) rất quan trọng trong nhiếp ảnh phong cảnh. Thông thường bạn sẽ muốn toàn bộ nội dung của khung hình được lấy nét, và cách tốt nhất để làm điều này là để thiết lập khẩu độ nhỏ (như f16), ISO thấp (cho chất lượng hình ảnh cao). Nếu thiết lập này có thể dẫn tới một tốc độ màn trập quá thấp và khiến máy ảnh bị rung do tay cầm, bạn có thể nâng ISO cao hơn (để có tốc độ màn trập nhanh hơn) hoặc sử dụng chân máy. Trong máy ảnh số thường có chế độ mặc cảnh, ví dụ chế độ Landscape định sẵn để bạn lựa chọn khi chụp phong cảnh, tuy nhiên có một số lý do mà bạn nên dùng chế độ ưu tiên khẩu độ thay vì chọn chế độ Landscape: - Bạn có thể áp dụng bù phơi sáng nếu máy ảnh chọn mức phơi sáng sai. - Bạn có thể sử dụng các kỹ thuật lấy nét khoảng cách hyperfocal để tối đa hóa độ sâu trường ảnh. Điều này liên quan đến việc bạn phải chuyển ống kính sang chế độ lấy nét bằng tay và tập trung lấy nét vào một điểm trong ảnh có DOF tối đa. VnReview sẽ có bài viết về kỹ thuật này trong thời gian tới. - Bạn có thể sử dụng một khẩu độ rộng để chụp cảnh quan có DOF rất hẹp. Bức ảnh này được tác giả chụp cận cảnh một bông hoa với một ống kính 85mm, tốc độ màn trập 1/250 giây để đảm bảo hình ảnh được sắc nét. Bạn nên nâng cao tốc độ màn trập khi chụp cận cảnh vì lúc này các chuyển động của máy ảnh đều bị phóng đại, hình ảnh sẽ rất dễ bị nhòe mờ. Khi chọn chế độ ưu tiên màn trập, bạn chọn tốc độ màn trập và máy ảnh của bạn sẽ tự thiết lập khẩu độ theo ISO. Bạn có thể kiểm soát khẩu độ gián tiếp bằng cách thay đổi ISO. Bạn nên sử dụng chế độ ưu tiên màn trập khi cầm máy ảnh bằng tay (các tình huống không mang theo chân máy). Nó sẽ cho phép bạn thiết lập một tốc độ màn trập đủ nhanh để ngăn hiện tượng rung máy, nếu cần tăng DOF thì bạn chỉ cần tăng ISO lên. Một mẹo để học cách thiết lập tam giác phơi sáng, đó là bạn hãy đặt máy ở chế độ tự động hoàn toàn, chụp thử một vài kiểu và xem các thông số mà máy ảnh đã chọn, sau đó bạn hãy chuyển sang các chế độ chỉnh tay (có ký hiệu M, A, P, S) và thử thay đổi tăng/giảm các thông số đó để xem hiệu ứng xảy ra trên hình ảnh. Đối với những cảnh có độ tương phản cao (ví dụ: một bức tường với cửa sổ bên ngoài, hoặc hoặc dưới bóng râm của cây vào một ngày nắng), hãy chụp tự động một kiểu và tính toán xem bạn cần tăng hay giảm phơi sáng để có bức ảnh tốt hơn. Thông thường bạn chỉ cần tăng/giảm các thông số gần với mức mà máy ảnh đã tính toán. Để có những ảnh "high-key" hoặc "low-key", hãy thử cố ý tăng hoặc giảm phơi sáng cao hoặc thấp hẳn, bạn sẽ ngạc nhiên với những hiệu ứng đạt được, mang lại những sắc thái mới cho ảnh chụp mà nếu chụp ở chế độ tự động sẽ không có được. Đông Phong

Định dạng file trong DSLR

Đây không phải là một cách giải thích chính xác hoàn toàn, song bạn đọc có thể hiểu được ý tưởng chính. Nếu bạn nhìn vào hình dưới đây, bạn sẽ thấy khi bạn chụp ảnh chế độ JPEG, dữ liệu sẽ đi qua rất nhiều bước xử lý trước khi được ghi lên thẻ nhớ. Quá trình này xảy ra với tất cả các bức ảnh: hãy thử tưởng tượng khi bạn đi gặp bác sĩ và ông ta cho tất cả mọi người cùng một loại thuốc, bất kể là người bệnh đang bị bệnh gì. Trong chế độ RAW máy ảnh sẽ lấy trực tiếp dữ liệu từ cảm biến và gửi thẳng tới thẻ nhớ. Đồng thời, máy ảnh sẽ thêm các thông tin về các thông số của máy ảnh, song hoàn toàn không thay đổi dữ liệu của phần ảnh. Bây giờ bạn sẽ là bác sĩ, với các phần mềm chỉnh sửa ảnh bạn có thể chỉnh sửa mỗi bức ảnh theo một cách khác nhau. Bạn sẽ nhận được các bức ảnh đúng ý nhất từ dữ liệu RAW. File RAW lớn hơn nhiều so với file JPEG, do chúng không bị nén. Bạn cũng không thể xem file RAW trước khi sử dụng các phần mềm để convert (chuyển đổi định dạng). Gia Cường

Ý nghĩa các thông số trên ống kính DSLR

Nhiếp ảnh không phải là một môn nghệ thuật đơn giản, và do đó sẽ không có gì khó hiểu nếu sau vài tháng bạn vẫn chưa thực sự hiểu hết các thông số có trên ống kính. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các con số lạ mà quen này. Tiêu cự Nếu máy của bạn có ống zoom, trên ống kính sẽ có vòng xoay để phóng to và thu nhỏ (thực ra là thay đổi tiêu cự xa-gần). Vòng xoay này cũng cho biết bạn đang sử dụng tiêu cự nào. Ví dụ, trên ống kính 70-200mm ở ảnh minh họa dưới đây, bạn có thể thấy tiêu cự đang được chỉnh ở mức 100mm. Nếu bạn sử dụng ống fix (cố định), ống kính của bạn sẽ không có vòng xoay chọn tiêu cự. Ống kính này sẽ chỉ hiển thị tiêu cự duy nhất, ví dụ như 85mm trong bức ảnh dưới đây. Khẩu độ tối đa Khẩu độ tối đa là mức tối đa mà cửa trập trên ống kính có thể mở tới. Khẩu độ được qui định bằng giá số f: giá số f càng nhỏ thì khẩu độ tối đa càng lớn. Các khẩu độ lớn như f2.8 hay thậm chí lớn cỡ f1.8 thường được sử dụng vì chúng cho phép ánh sáng vào nhiều hơn, nhờ đó bạn có thể chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn mà không bị mờ. Minh họa: Thông số f càng lớn thì khẩu độ càng nhỏ Khẩu độ tối đa trên các ống kính thường khác nhau. Khẩu độ tối đa có thể được kí hiệu là một số duy nhất (ví dụ như trong ống kính bên trái trong hình dưới, hoặc được kí hiệu khoảng đầy đủ trong hình bên phải). Bạn có thể tìm thấy khẩu độ ở cuối ống kính, hoặc trên vòng xoay bộ lọc, hoặc ở cả 2 vị trí này. Trong bức ảnh phía trên, ống fix 85mm ở phía dưới có khẩu độ tối đa được kí hiệu là "1:1.8". Điều này có nghĩa rằng khẩu độ tối đa trên ống kính có tiêu cự không thay đổi này là f1.8. Trên ống kính Tamron 17-35mm ở bên phải, bạn có thể thấy khẩu độ được kí hiệu là "1:2.8-4". Điều này có nghĩa rằng khi bạn xoay vòng zoom (thay đổi tiêu cự), khẩu độ sẽ thay đổi từ f2.8 đến f4. Ở góc chụp rộng nhất 17mm, khẩu độ tối đa có thể mở đến f2.8, song ở tiêu cự 35mm khẩu độ chỉ có thể đạt tới f4. Tương tự như vậy, với các mức tiêu cự khác nhau trên các loại ống 28-300mm và 18-200mm, khẩu độ tối đa với từng tiêu cự sẽ khác nhau. Khoảng lấy nét Một số ống kính có ghi chú khoảng lấy nét trên ống kính. Thông thường, khoảng này được kí hiệu bởi cả 2 đơn vị foot (ft) và mét (m). Hãy tìm biểu tượng có ghi số dương ở phía bên trái và biểu tượng vô cực (∞) ở phía bên phải. Con số này sẽ cho biết khoảng cách tối thiểu mà ống kính có thể lấy nét. Một vài ống kính khác có tùy chọn MACRO cho phép bạn chụp gần hơn nữa, song thực ra đây không phải là chụp macro thực sự, do đó bạn sẽ không thể lấy nét ở khoảng cách quá gần. Dù sao, tùy chọn này cũng là khá tiện dụng nếu bạn không muốn phải mang theo một ống kính macro rời. Trong hình trên, bạn có thể thấy ống kính Canon ở bên trái có ghi khoảng lấy nét ở phía dưới một lớp kính bọc, trong khi ống kính Tamron ở bên phải ghi khoảng lấy nét tối thiểu ngay trên thân ống. Các con số sẽ được thay đổi khi bạn xoay vòng nét. Lưu ý rằng, trong nhiều trường hợp hãy tắt tính năng tự động lấy nét (AF) trước khi quay vòng nét, vì quay vòng lấy nét trong khi bật AF (Auto Focus) sẽ gây hư hại cho các linh kiện bên trong ống kính, trừ một số loại ống kính cho phép bạn vừa xoay vòng vừa lấy nét tự động mà không hư hại tới phần cơ điều khiển lấy nét tự động bên trong lens. Đường kính ống kính/kích cỡ kính lọc Trên ống kính, bạn có thể thấy kí hiệu phi (Φ) đứng cạnh một con số. Biểu tượng này cho biết đường kính của mặt trước ống kính và cũng chính là kích cỡ kính lọc phù hợp để kết hợp cùng ống kính. Bạn có thể thấy biểu tượng này ở cả bên dưới nắp đậy ống kính. Khi cần mua kính lọc, bạn sẽ biết được chính xác đường kính cần chọn là bao nhiêu. Vòng xoay khẩu độ Đây là một tính năng không có mặt nhiều trên các mẫu ống kính máy ảnh số hiện đại, do hiện nay khẩu độ chủ yếu do thân máy điều chỉnh (người dùng sẽ chọn khẩu độ trên bảng điều khiển của thân máy). Vòng xoay khẩu độ là một tính năng phổ biến từ thời máy ảnh phim lấy nét bằng tay, do thân máy sẽ lựa chọn tốc độ đóng cửa trập và khẩu độ sẽ được đặt trên ống kính. Các ống kính có vòng xoay khẩu độ có giá tương đối rẻ so với các loại ống kính số mới sản xuất. Bạn có thể sử dụng chúng vào các mục đích đặc biệt như chụp macro, hoặc lựa chọn ống fix có khẩu độ lớn với giá chỉ bằng một phần nhỏ các loại ống kính hiện tại. Tuy vậy, bạn sẽ phải gắn thêm một vòng adapter đặc biệt để gắn ống kính loại này vào thân máy. Hãy lưu ý rằng chúng đều là các ống lấy nét bằng tay. Khoảng cách siêu lấy nét (Hyperfocal Distance) Nếu ống kính của bạn là loại zoom, bạn sẽ không thấy tùy chọn này. Nếu bạn có ống fix, đặc biệt là các thế hệ cũ, bạn sẽ thấy một hàng số giống như hàng số đối xứng, có trung tâm là kí tự | (nằm ngay phía dưới hàng số màu da cam) trong hình dưới: Thứ tự các dòng số trong hình trên, từ trên xuống: - Khoảng lấy nét (hàng trên màu trắng: đơn vị foot, hàng dưới màu da cam: đơn vị mét). - Khoảng siêu lấy nét. - Vòng xoay khẩu độ. Thông số khoảng cách siêu lấy nét sẽ cho bạn biết phần nào trong bức ảnh của bạn sẽ nằm trong vùng nét ở các mức khẩu độ khác nhau. Trong bức ảnh trên, khẩu độ được chọn là f16, khoảng lấy nét là 5 m (15 ft). Khi bạn nhìn vào dòng số cho biết khoảng siêu lấy nét, bạn sẽ thấy số 16 ở bên trái và ở bên phải. Vạch tương ứng với số 16 ở bên trái cho biết khoảng cách từ máy tới điểm gần nhất nằm trong vùng nét khi đặt khoảng lấy nét là 5 mét ở f16. Trong trường hợp này, con số trên là 2,75 m. Vạch tương ứng với số 16 ở bên phải tương ứng với vô cực. Như vậy, ở f16 bạn sẽ lấy được khoảng từ 2,75 m tới vô cực trong vùng nét. Có thể thấy, từ dòng số khoảng siêu lấy nét, vô cực tương ứng với con số 16 ở bên phải, do đó bạn sẽ có DOF rộng nhất ở f16 nếu lấy nét ở 5 m. Lưu ý rằng bạn không lấy nét trên một vật thể, thay vào đó chỉ chọn vùng nét bằng cách xoay vòng lấy nét. Nếu bạn lấy nét ở vô cực, vùng nét sẽ chỉ nằm từ khoảng cách 5 mét tới vô cực (ước tính), song nếu lấy nét ở 2 m vô cực sẽ không nằm trong vùng nét. Dấu chấm màu đỏ trên ống kính là điểm lấy nét khi chụp phim hồng ngoại. Khi chụp bằng phim hồng ngoại, bạn sẽ phải chọn điểm lấy nét khác thông thường vì dải sáng hồng ngoại khác với những gì mắt người nhìn thấy. Lê Hoàng Theo Digital Photography School

Tự học nhiếp ảnh với máy DSLR Outside of Auto của Canon

Nếu bạn chưa có đủ kinh phí để đầu tư cho chiếc DSLR mơ ước, Canon cũng sẽ trợ giúp cho bạn với ứng dụng web Outside of Auto. Không có cách nào để học nhiếp ảnh tốt hơn là "cầm máy lên và đi chụp", song với ứng dụng giả lập máy ảnh Outside of Auto của Canon, bạn cũng có thể học được các nguyên tắc căn bản về nhiếp ảnh. Những người mới tập chơi đã sở hữu riêng cho mình một chiếc DSLR chất lượng cao có lẽ cũng sẽ ưa thích ứng dụng giả lập này. Bởi nhờ có Canon bạn có thể học nhiếp ảnh một cách trực quan ngay trên máy vi tính. Kỹ năng tùy chỉnh mà bạn học được từ ứng dụng nền web này có thể áp dụng cho bất kì model máy ảnh nào khác, không chỉ riêng cho các model Canon. Một khi đã hiểu được các nguyên tắc nhiếp ảnh quan trọng nhất, bạn có thể vững chân bước vào môn nghệ thuật này. Hãy cùng xem tùy chỉnh tốc độ cửa trập, khẩu độ và ISO có thể giúp tạo ra những bức ảnh nghệ thuật tới mức nào. Learn – Học   Ứng dụng giả lập máy ảnh của Canon cho phép bạn hiểu các khái niệm và nguyên tắc căn bản về cửa trập, khẩu độ, ISO và phơi sáng. Trong mục đầu tiên: "Learn" (Học), bạn sẽ được giải thích về các yếu tố này, đi kèm với các bức ảnh giải thích rất rõ ràng. Điều này là rất có ích, bởi khi mới cầm máy trên tay, bạn có thể sẽ phải mất nhiều thời gian để nhớ được xem tốc độ cửa trập cao sẽ tạo ra hiệu ứng gì. Học trước vài kiến thức cơ bản sẽ giúp tiết kiệm được thời gian khi sử dụng máy: thay vì vừa phải tra cứu kiến thức vừa chụp, bạn có thể thoải mái thử nghiệm tay nghề của mình. Mục Photography 101 là một bài hướng dẫn rất trực quan, cho biết các bước căn bản để chụp một bức ảnh. Bài hướng dẫn này có thể hơi đơn giản với những người đã chụp quen tay, song với những người mới học, Photography 101 sẽ giúp người dùng hiểu được tầm quan trọng của việc cân bằng giữa các yếu tố của các bức ảnh. Nếu gặp một từ "lạ" nào đó, bạn có thể nhấn vào liên kết tới mục "Glossary" (Thuật ngữ nhiếp ảnh) ở phía bên trái để ôn lại các khái niệm căn bản của nhiếp ảnh. Mục Tips and Tricks bao gồm nhiều lời khuyên ngắn, hữu ích mà bạn nên "nằm lòng". Ví dụ: Khi chụp ảnh, cần phải nhớ: ISO ảnh hưởng tới nhiễu, Khẩu độ ảnh hưởng tới DOF (độ sâu trường ảnh), Cửa trập ảnh hưởng tới khả năng thu chuyển động. Play – Chụp thử Đây chính là phần chính của ứng dụng giả lập nhiếp ảnh. Hãy sử dụng tất cả các nguyên tắc bạn đã học trong phần đầu và áp dụng chúng mà không cần mang máy ảnh đi ra ngoài chụp. Ứng dụng này có 3 chế độ chính: Shutter Priority (Ưu tiên Cửa trập), Aperture Priority (Ưu tiên Khẩu độ) và Manual (Chỉnh tay). Ứng dụng giả lập của Canon sẽ cho phép bạn thay đổi Khẩu độ, Tốc độ cửa trập và ISO. Hãy kiểm tra thanh đo sáng (Exposure Meter) trước khi bạn "chụp" lại chiếc máy bay. Bạn có thể thử tất cả các tùy chọn và tìm hiểu về lợi ích của từng tùy chỉnh một. Ở phía bên phải là hướng dẫn cho biết tác dụng của từng thanh chỉnh (Khẩu độ, Tốc độ cửa trập và ISO) đối với DOF, chuyển động và nhiễu. Bạn cũng có thể chọn mục Examples ở bên trái màn hình để xem các bức ảnh mẫu. Ứng dụng giả lập này sẽ đưa ra các phản hồi về bức ảnh của bạn ngay lập tức. Bạn có thể điều chỉnh ảnh chụp của mình dựa trên các lời khuyên này. Challenge – Thử thách Đây chính là bài kiểm tra dành cho bạn. Bạn có thể áp dụng các kiến thức đã học vào một bài kiểm tra được bấm giờ. Bạn phải hoàn thành các mục tiêu như "đạt độ phơi sáng tốt" trong một khoảng thời gian được qui định sẵn. Bạn có thể xem ảnh mẫu, nhờ tới các câu gợi ý, song hãy nhớ rằng thời gian rất có hạn. Thử thách này rõ ràng chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin vào khả năng nhiếp ảnh của mình. Ngoài ra, những lời gợi ý được đưa ra cũng là rất hữu ích.

Tìm hiểu về cảm biến máy ảnh DSLR / Compact

Cảm biến là yếu tố quyết định tới kích cỡ ảnh, độ phân giải, khả năng chụp thiếu sáng, độ sâu trường ảnh (depth of field), dải nhạy sáng, ống kính và thậm chí là cả kích cỡ của toàn bộ chiếc máy ảnh/smartphone. Vậy, bạn đã thực sự hiểu về cảm biến của máy ảnh số chưa? Cảm biến camera là một thiết bị phần cứng nhỏ, có khả năng thu nhận ánh sáng và chuyển đổi những gì bạn thấy trên ống ngắm và màn hình LCD thành một bức ảnh. Cảm biến camera thời đại số giống như là những thước phim của thời đại cũ. Với máy ảnh phim, bạn có thể lựa chọn hàng trăm nhãn hiệu phim khác nhau, trong đó mỗi nhãn hiệu sẽ có những đặc tính riêng biệt không giống với bất kì sản phẩm nào khác. Máy ảnh số sẽ tích hợp công nghệ trên vào phần cứng của mình, và bạn cũng có thể sử dụng các hiệu ứng để làm cho ảnh số trông giống như ảnh chụp bằng phim. Cảm biến hình ảnh trên máy ảnh của bạn sẽ quyết định đến chất lượng đẹp/xấu của bức ảnh và kích cỡ tối đa mà bạn có thể in bức ảnh này. Chất lượng ảnh không chỉ phụ thuộc vào kích cỡ vật lý của cảm biến, mà còn phụ thuộc vào số lượng pixel (các điểm nhạy sáng) có mặt trên cảm biến, và kích cỡ của các pixel này. Kích cỡ của cảm biến cũng quyết định xem bạn sẽ nhìn thấy gì qua ống ngắm – cầu nối giữa khung cảnh mà bạn đang chụp và bức ảnh thực sự được ghi vào bộ nhớ của máy ảnh. Các cảm biến nhỏ, ví dụ APS-C, sẽ cắt (crop) hình ảnh thu được từ ống kính và do đó thu được một bức hình nhỏ hơn các cảm biến full-frame. Thông thường, cảm biến full-frame sẽ thu được bức hình giống như phim 35mm truyền thống. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu tất cả các khái niệm liên quan tới các cảm biến camera mà bạn có thể gặp. Các loại cảm biến CCD CMOS Có 2 loại cảm biến thường gặp nhất là CCD và CMOS.     CCD là một trong những công nghệ lâu đời nhất trên máy ảnh số, với chất lượng ảnh chụp vượt trội so với CMOS nhờ có dải tần nhạy sáng và kiểm soát nhiễu tốt hơn. Hiện nay, CCD vẫn được sử dụng nhiều trong các mẫu máy ảnh du lịch giá rẻ, song quá trình lắp ráp khó khăn và điện năng tiêu thụ quá nhiều của CCD đã dẫn tới sự thống trị của CMOS. Trong lịch sử, cảm biến CMOS luôn được cho là có chất lượng ảnh chụp thấp hơn so với CCD, nhưng các đột phá về công nghệ mới đã khiến cho chất lượng của CMOS hiện đại trở nên ngang bằng hoặc thậm chí là vượt qua cả tiêu chuẩn của CCD. Với nhiều tính năng được tích hợp sẵn hơn là CCD, cảm biến CMOS hoạt động hiệu quả hơn, cần ít điện năng hơn và chụp ảnh tốc độ cao tốt hơn CCD. Ví dụ điển hình về chất lượng của CMOS có thể kể đến các cảm biến sử dụng thương hiệu Live MOS của Leica, Olympus và Panasonic. Các cảm biến này thuộc loại CMOS (và do đó có điện năng tiêu thụ thấp) nhưng có thể đem lại chất lượng ảnh chụp ngang bằng với CCD. Kích cỡ cảm biến Full Frame (24 x 36mm): Loại cảm biến Full Frame có kích cỡ ngang bằng với một tấm phim 35mm. Cảm biến full frame có kích cỡ gấp đôi các cảm biến APS-C. Các model máy ảnh cao cấp nhất như Canon EOS 5D Mark III, 6D, 1Dx. Với cảm biến full frame, hình chụp của bạn sẽ không bị cắt xén. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ thu được tất cả những gì bạn nhìn thấy qua ống ngắm vào khung hình. Các cảm biến lớn trên các model full frame khi được kết hợp với ống kính có khẩu độ lớn sẽ tạo ra hiệu ứng DOF cực kỳ "nông" – rất tốt khi chụp macro và quay video. Nhìn chung, cảm biến có kích cỡ càng lớn thì thân máy càng to. Ống kính cũng cần phải có kích cỡ lớn để tận dụng hết tiềm năng của máy full frame, song điều này có thể sẽ sớm thay đổi. APS-H (28,7 x 19mm): Cảm biến APS là loại cảm biến phổ biến nhất cho cả máy ống kính rời và máy ống kính liền chất lượng cao. APS-H kết hợp một cảm biến tương đối lớn và số lượng điểm ảnh vừa phải nhằm gia tăng tốc độ và hiệu năng ISO. Cảm biến APS-H có hệ số cắt (crop factor) là 1.3x. Canon 1D Mark IV và Canon 1D Mark III sử dụng loại cảm biến này. Cảm biến APS-C của Canon APS-C (23,6 x 15,8 mm): Phần lớn các máy DSLR bán chuyên của Canon sản xuất đều sử dụng cảm biến APS-C, song có một điều cần lưu ý: kích cỡ cảm biến APS-C trên các dòng sản phẩm khác nhau không phải là đồng nhất. Ví dụ, cảm biến APS-C của Canon có kích cỡ 22,2 x 14,8mm Cảm biến kích cỡ nhỏ Các cảm biến sau đây có kích cỡ tương đương với các máy quay video trên TV CRT từ khoảng những năm 1950: 1/1,7 inch (7,6 x 5,7mm): Một trong những kích cỡ cảm biến lớn nhất sử dụng trên máy ảnh cỡ nhỏ, các cảm biến này giúp tạo ra điểm ảnh lớn hơn và ít nhiễu hơn so với máy ảnh du lịch. Các điểm ảnh lớn giúp giảm thiểu sự khác biệt về độ sáng, giúp tạo ra chi tiết ảnh tốt hơn. 1/2,5 inch (5,76 x 4,29mm): Đây là loại cảm biến nhỏ nhất trên máy ảnh số, được sử dụng cho máy ảnh du lịch giá thấp. Các cảm biến ảnh này có giá thành rất thấp song lại tạo ra các điểm ảnh quá nhỏ, tạo ra nhiễu, giảm dải tần nhạy sáng. Kết quả là các bức ảnh chụp được có chất lượng tương đối thấp. Nhìn chung, cảm biến 1/2,5 inch vẫn tạo ra ảnh chụp có chất lượng cao hơn smartphone, đặc biệt là khi chụp chân dung. Các loại cảm biến chụp ảnh khác bao gồm 1/3,2, 1/2,3, 2/3, 1/3,2, 1/1,2, và 1/1,8 (inch). Nhờ có những cảm biến chỉ có 1/2,7 inch (5,37 x 4,04mm), smartphone đang khiến những chiếc máy ảnh du lịch chìm dần vào dĩ vãng.

Top những chiếc điện thoại đáng mua đầu năm mới

Một chiếc điện thoại mới để bắt đầu một năm thật nhiều điều mới mẻ, thành công cùng VNAShop nhé! Các mẫu smartphone cao cấp và tầm trung của Oppo, Xiaomi, Samsung, Realme và Asus dưới đây sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam sau Tết mà bạn có thể cân nhắc. Điện thoại Oppo Reno11 F với thiết kế sang trọng, giá hấp dẫn Model mới thuộc dòng Reno 11 của Oppo sẽ được bán ra đầu tháng 3 với thiết kế vuông vắn thay vì bo cong như Reno 11 và 11 Pro. Mặt lưng vẫn theo công nghệ Reno Glow với hiệu ứng đổi màu đặc trưng. Máy có màn hình AMOLED 6,7 inch, độ phân giải Full HD+ và tần số làm tươi 120 Hz cùng khả năng hiển thị một tỷ màu. Cảm biến vân tay tích hợp dưới màn hình thay vì nút nguồn. Máy có ba camera sau với camera chính 64 megapixel, góc siêu rộng 8 megapixel và camera đo độ sâu trường ảnh 2 megapixel. Reno 11 F trang bị chip Dimensity 7050, RAM 8 GB, bộ nhớ trong 256 GB, đi kèm pin 5.000 mAh và sạc nhanh 67 W. Xiaomi 14 Mẫu smartphone cao cấp của Xiaomi, dự kiến lên kệ tháng 2, có màn hình OLED 6,36 inch độ phân giải 1,5K cùng tần số quét 120 Hz. Thiết kế của máy không khác biệt nhiều so với thế hệ trước, hỗ trợ chống nước IP68. Cụm ba camera sau đều có độ phân giải 50 megapixel, được tinh chỉnh bởi Leica. Xiaomi trang bị chip xử lý Snapdragon 8 Gen 3 mới nhất cho smartphone cao cấp của mình. Dung lượng pin là4.610 mAh cùng sạc nhanh 67 W. Realme 12 Pro và 12 Pro+ với đỉnh cao camera tele Hai model 12 Pro và 12 Pro+ giữ thiết kế cong cùng mặt lưng bằng chất liệu giả da giống thế hệ trước. Nâng cấp đáng giá của bộ đôi là khả năng chống nước và bụi IP65. Hai model sử dụng màn hình AMOLED kích thước 6,7 inch, độ phân giải Full HD+ và tần số làm tươi 120 Hz. Realme 12 Pro trang bị Snapragon 6 Gen 1, RAM 8 GB, bộ nhớ trong 256 GB, còn 12 Pro+ là Snapdragon 7S Gen 2, RAM 12 GB và bộ nhớ trong 512 GB. Camera chính dùng cảm biến cao cấp của Sony độ phân giải 50 megapixel hỗ trợ OIS. Cả hai máy đều có pin 5.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 67 W. Ngoài cảm biến vân tay dưới màn hình máy còn có loa kép hỗ trợ Dolby Atmos. Asus ROG Phone 8 series nâng cấp camera, chơi game cực đỉnh Bộ đôi ROG Phone 8 và 8 Pro được thiết kế bớt hầm hố, mỏng nhẹ hơn thế hệ trước nhưng vẫn mang phong cách smartphone chơi game. Máy cắt bỏ các khe thông gió và trang bị thêm khả năng chống nước IP68. Asus vẫn sử dụng màn hình AMOLED 6,78 inch độ phân giải Full HD+ và tần số quét 165 Hz. Thiết bị tích hợp chip Snapdragon 8 Gen 3, RAM từ 12 đến 24 GB và bộ nhớ trong tối đa 1 TB. Máy có phím tắt hỗ trợ chơi game AirTrigger, loa kép và giắc tai nghe. ROG Phone 8 series nâng cấp mạnh với camera chính 50 megapixel chống rung gymbal 6 trục. Dung lượng pin là 5.500 mAh, công suất sạc nhanh 65 W và hai cổng USB-C đặt ở cạnh bên và đế máy. Samsung Galaxy A55 Galaxy A55 chuyển qua thiết kế vuông vắn giống Galaxy S24 nhưng có thêm Key Island làm cho phần khung viền quanh nút âm lượng và nút nguồn nổi và bo tròn hơn. Máy dự kiến có màn hình SuperAMOLED 6,5 inch độ phân giải Full HD+ cùng tần số quét 120 Hz. Điện thoại của Samsung trang bị chip xử lý Exynos 1480, GPU AMD , RAM 8 GB cùng hai phiên bản bộ nhớ trong 128 và 256 GB. Dung lượng pin 5.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 25 W. Máy vẫn trang bị camera chính 50 megapixel hỗ trợ OIS tương tự Galaxy S24. Xiaomi Redmi Note 13 Pro 4G Phiên bản 4G của Redmi Note 13 Pro không có nhiều khác biệt về thiết kế so với bản 5G nhưng chỉ hỗ trợ chống nước IP54 thay vì IP68. Máy sử dụng màn hình AMOLED 6,67 inch với thiết kế đục lỗ, độ phân giải Full HD+ và tốc độ làm tươi 120 Hz. Redmi Note 13 Pro 4G có camera chính 200 megapixel, hỗ trợ chống rung quang học OIS cùng góc siêu rộng 8 megapixel và camera đo độ sâu trường ảnh 2 megapixel. Máy được trang bị chip MediaTek Helio G99, RAM 8 GB, pin 5.000 mAh và sạc nhanh 67 W.