Bản tin

Kỹ thuật chụp ảnh lia máy Panning

Chụp ảnh "lia máy" (panning) là cách chụp di chuyển máy theo một đường ngang khi ống kính quét theo một vật thể đang chuyển động. Khi bạn di chuyển máy ảnh của mình theo cùng tốc độ với vật mẫu, mẫu của bạn gần như chuyển động song song với ống kính. Nhưng bạn đã hiểu rõ cách chụp ảnh này chưa? Nếu như định nghĩa ở trên chưa thể giúp bạn hình dung ra cách chụp ảnh lia máy, hãy thử tưởng tượng có một chú mèo đang ở trên chiếc bàn trước mặt bạn. Khi chú mèo di chuyển, bạn cũng bước chân sang ngang để theo kịp chuyển động của chú mèo. Trong mắt bạn, hình ảnh của chú mèo sẽ được thu lại một cách hoàn toàn rõ ràng, song cảnh vật có vẻ sẽ mờ đi. Tương tự như vậy, khi chụp lia máy, bạn phải "đồng bộ" với tốc độ của vật mẫu và theo kịp cả tốc độ lẫn hướng di chuyển của vật mẫu một cách hoàn hảo. Chụp lia máy để làm gì? Chụp lia máy thu lại cảnh tượng vật thể chuyển động vào bức ảnh. Như bạn có thể thấy trong bức ảnh dưới đây, chụp lia máy tái tạo lại cảm giác vật thể chuyển động rất rõ ràng. Nếu giữ nguyên máy và chụp chuyển động, vật mẫu của bạn có thể sẽ bị mờ do tốc độ đóng cửa trập thấp. Hình ảnh của chiếc xe rất rõ ràng và sắc nét, song cảnh vật lại bị mờ để tạo cảm giác chuyển động Tiếp theo là một bức ảnh được chụp theo cách thông thường (không lia máy), với tốc độ cửa trập chậm (chụp lia máy đòi hỏi tốc độ đóng màn trập chậm). Do máy ảnh đứng yên, vật mẫu - toa xe tàu bị làm mờ, từ đó người xem có thể hình dung ra chuyển động. Vậy, chụp lia máy có luôn luôn đem lại chất lượng tốt hơn cách chụp thông thường? Câu trả lời có thể là "có" và cũng có thể là "không". Là người chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn chụp lia máy hoặc chụp theo cách thông thường, tùy vào sở thích và tùy vào bối cảnh chụp ảnh của bạn. Những nguyên tắc căn bản khi chụp lia máy 1. Chụp lia máy đòi hỏi bạn phải giữ chắc tay và sử dụng tốc độ cửa trập chậm Tốc độ cửa trập nên dùng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của vật mẫu nhưng thường sẽ là 1/200 giây hoặc chậm hơn. Tốc độ 1/200 nên dùng khi vật mẫu của bạn di chuyển rất nhanh, ví dụ như xe trên đường đua. Khi chụp vận động viên trên đường chạy, bạn chỉ cần sử dụng tới tốc độ 1/40. 2. Tốc độ cửa trập càng nhanh thì vật mẫu trên ảnh sẽ càng rõ nét Khi bạn mới bắt đầu tập lia máy, bạn không nên sử dụng tốc độ cửa trập quá chậm. Bạn chỉ cần sử dụng tốc độ cửa trập đủ chậm để thể hiện một chút ít chuyển động trên ảnh mà thôi. Khi đã tự tin hơn và đã quen hơn với việc chụp lia máy, hãy chọn tốc độ cửa trập chậm hơn để làm rõ chuyển động hơn nữa, giúp cho mẫu của bạn hoàn toàn nổi bật trên nền ảnh. 3. Bạn phải chuyển động liên tục, tương ứng với mẫu vật. Mẫu vật phải luôn luôn nằm trên một vị trí cố định trên khung hình để hiện lên ảnh rõ ràng, sắc nét. 4. Vật thể chuyển động càng nhanh thì càng khó chụp. Đây là một điều khá hiển nhiên. Khi mẫu vật chuyển động quá nhanh, bạn khó có thể giữ được vị trí cố định cho vật mẫu trong khung hình. Do đó, khi mới chụp, hãy cố gắng làm chậm chuyển động của vật mẫu. 5. Hãy kiên nhẫn và cố gắng tận hưởng thời gian chụp ảnh Chụp lia máy là một kĩ thuật khá khó. Nếu bạn không thành công, hãy bình tĩnh và chụp lại, hoặc tạm chuyển sang một kiểu chụp khác dễ hơn để thư giãn. Hãy thoải mái hết sức trong quá trình học chụp lia máy. Khi tham gia các sự kiện "tiềm năng" cho kỹ thuật chụp lia máy, ví dụ như các sự kiện thể thao, đừng quá tập trung vào kỹ thuật lia máy và tự làm cho mình khó chịu. Hãy chụp với nhiều kỹ thuật khác nhau để có được một bộ sưu tập ảnh đa dạng từ sự kiện này, thay vì một bộ toàn những bức ảnh mờ. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng mẫu vật của bạn khó có thể sắc nét và rõ ràng 100% trong bức ảnh. Đôi khi, một vài phần mờ trên mẫu vật sẽ làm ảnh chụp trở nên ấn tượng hơn. Một trong những trải nghiệm thú vị bạn có thể có được khi chụp lia máy là hãy chụp với trẻ em. Hãy thử giữ máy bằng một tay, và dùng một tay còn lại để giữ em bé và xoay vòng. Bạn sẽ chụp được những bức ảnh như bức ảnh sau đây. Những mẹo chụp lia máy - Sử dụng tốc độ cửa trập chậm hơn tốc độ bạn thường sử dụng. Hãy thử tốc độ 1/40 và sau đó thử các tốc độ chậm hơn. Tùy thuộc vào điều kiện sáng và tốc độ của mẫu vật, bạn có thể sử dụng các tốc độ khác nhau, song nếu sử dụng tốc độ quá chậm ảnh có thể sẽ bị mờ do rung tay. - Chọn vị trí sao cho giữa máy ảnh và vật mẫu không có chướng ngại vật. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét cảnh vật xung quanh – nền của bức ảnh. Nếu trong cảnh vật có các màu có thể gây rối mắt, ảnh chụp của bạn có thể trở nên quá rối. Bạn nên chọn cảnh có ít màu, đơn giản. Bạn có thể tập chụp lia máy tại các khu phố đông đúc. Tại đây, bạn sẽ không bao giờ thiếu mẫu vật để chụp. - Theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách 'mượt' nhất có thể. Nếu sử dụng ống dài hoặc không chắc tay, bạn có thể cần tới monopod hoặc tripod. - Để tránh mất nét bạn cần chọn vị trí để có thể theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách dễ dàng nhất. - Nếu tính năng tự động lấy nét (AF) trên máy bạn không đủ nhanh bạn cần phải nhấn nửa cò để tự lấy nét từ trước. - Nhả cò hết sức mềm mại để tránh rung máy, và tiếp tục lia máy theo hướng chuyển động ngay cả khi đã nghe tiếng nhả cò. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng cho ảnh chụp từ đầu tới cuối. - Trong trường hợp máy bạn gặp hiện tượng shutter lag (nhấn cò một vài giây rồi ảnh mới được chụp), bạn cần phải làm quen với hiện tượng này và lựa chọn khoảnh khắc để chụp ảnh một cách cẩn thận hơn. - Sử dụng flash: Cũng giống như các kỹ thuật chụp ảnh khác, chụp lia máy không bị gò ép bởi bất kì luật lệ nào. Bạn có thể thử nghiệm sử dụng đèn flash khi chụp lia máy. Kỹ thuật chụp chậm với đèn flash đồng bộ sẽ chỉ hoạt động tốt khi mẫu vật của bạn đủ gần với máy ảnh để đèn flash tạo ra sự khác biệt. Khi sử dụng kỹ thuật này, máy ảnh sẽ được cài đặt tốc độ cửa trập chậm và đèn flash được bật lâu. Nhờ đó, bạn sẽ giữ được mẫu vật trong khung hình lâu hơn và tạo được hiệu ứng chuyển động nền mờ. Nhìn chung, bạn sẽ phải thử nghiệm rất nhiều cài đặt khác nhau cho đèn flash. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải giảm độ sáng của flash còn 1/2 hoặc 2/3. Việt Dũng Theo Digital Photography School

Tự tạo Bokeh hình dạng đặc biệt bằng bìa cứng

Chụp ảnh bokeh với những hình dạng khác nhau có thể đem lại nhiều điều thú vị cho các bức ảnh Giáng sinh của bạn. Ngoài việc sử dụng những hình dạng bokeh tự nhiên của ống kính, bạn có thể tự tạo thêm những hình dạng bokeh đặc biệt theo hướng dân dưới đây. Chế tạo "đồ nghề" Dùng một tờ bìa màu đen thông thường (giấy cứng sẽ hiệu quả hơn, có thể dùng bìa giấy của sổ lưu niệm) và cắt nó thành một dải băng rộng, đủ để che phủ toàn bộ chiều dài ống kính của bạn. Đầu tiên, bạn dùng một mảnh giấy trắng thừa để đo ống kính bạn sẽ sử dụng. Sau đó, áp lên tờ bìa màu đen để cắt, dán nó lại thành một hình trụ tròn. Tiếp đó, bạn kê ống kính lên một miếng bìa đen khác, dùng bút vẽ men theo xung quanh ống kính để lấy dấu, rồi dùng kéo cắt thành một miếng bìa hình tròn. Sau đó, bạn dùng dao trổ một lỗ với bất cứ hình gì bạn muốn ở giữa vòng tròn vừa cắt, có thể dùng bút chì phác nhẹ hình dạng mong muốn trước khi cắt. Để hình trổ nằm ở giữa tấm bìa tròn, bạn nên gấp nhẹ tấm bìa làm đôi để lấy dấu, rồi mới vẽ và trổ. Điều này rất quan trọng, vì nếu lỗ được cắt không nằm ở trung tâm miếng bìa, máy ảnh sẽ nhận các phần bìa đen thay vì hình dạng được cắt. Tiếp theo, chỉ cần dán tấm bìa tròn màu đen lên hình trụ nhỏ bạn vừa làm sao cho có thể lắp vừa khít vào ống kính của bạn, có thể sử dụng băng dính để cố định miếng bìa. Sau đó, chỉ cần lắp tấm che ống kính này vào ống kính của bạn! Đây là kết quả cuối cùng. Khá tuyệt phải không? Bạn cũng có thể làm tương tự để tạo ra những hình dạng khác. Dưới đây là một số hướng dẫn để giúp bạn thành công: 1. Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng khẩu độ rộng nhất có thể (đó là số nhỏ nhất trong các giá trị khẩu độ mà máy ảnh hỗ trợ), tốt nhất là trong khoảng f/1.2 đến f/1.8, tiêu cự nên là 85mm. Tỷ lệ giữa tiêu cự của ống kính và đường kính khẩu độ càng thấp, độ mờ trong nền ảnh càng tốt. 2. Bạn cần tách biệt giữa chủ thể của bạn và bokeh. Nếu đối tượng chụp của bạn đang ngồi ngay bên cạnh những ánh đèn thì sẽ không hiệu quả, tất cả mọi thứ sẽ trong vùng lấy nét và bạn sẽ không có bokeh ánh sáng mờ trong nền ảnh. 3. Sử dụng giấy tối màu hoặc màu đen để làm nắp che ống kính như trên. Nếu dùng giấy sáng màu hơn, ánh sáng sẽ bị rò rỉ vào tấm che ống kính và nó sẽ không hiệu quả. 4. Tấm che ống kính tự tạo chỉ nên vừa đủ khít với ống kính sao cho có thể tháo lắp dễ dàng nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của ống kính, đồng thời không quá rộng có thể khiến ánh sáng lọt vào. 5. Nếu không muốn làm tấm che ống kính có ống trụ gắn vào ống kính như trên, có thể bạn chỉ đơn giản là cắt một tấm bìa tròn (có trổ hình mong muốn) với kích thước lớn hơn so với đường kính của ống kính và dùng tay áp nó vào ống kính và giữ ổn định khi chụp. Với cách này, tay bạn phải thật vững hoặc nếu cần bạn phải dùng chân máy để tránh rung máy, vì muốn chụp bokeh bạn cũng cần giảm tốc độ chụp, mà tốc độ chụp càng chậm thì càng dễ bị rung máy. Bạn có thể thực hành với bất cứ thứ gì ngồi yên đủ lâu để cho bạn chụp! Trang Bùi Theo iheartfaces.com

Sử dụng Histogram trong nhiếp ảnh

Histogram trong máy ảnh số là một dạng biểu đồ biểu diễn số lượng điểm ảnh tương ứng với mức độ sáng tối của bức ảnh sau khi chụp. Cụ thể hơn, trục dọc biểu diễn số lượng điểm ảnh, các đỉnh càng cao thì càng có nhiều điểm ảnh ở khu vực đó và độ chi tiết càng nhiều. Trục ngang tính từ trái qua phải với mốc giá trị từ 0 đến 255 biểu diễn độ sáng của mỗi khu vực ảnh. Gốc giá trị 0 được coi là tối nhất tựa như màu đen tuyền trong khi càng dịch sang phải giá trị này càng tăng, ngọn sáng nhất của ánh sáng ở giá trị 255. Khu vực giữa hai giá trị này có độ sáng trung bình. Như vậy, biểu đồ histogram càng có nhiều điểm ảnh ở gần khu vực  gốc (giá trị 0) thì ảnh càng tối, nhiều điểm ảnh ở gần khu vực ngọn 255 thì ảnh càng sáng. Những điểm ảnh nằm trên cột dọc của một trong hai giá trị này sẽ bị mất chi tiết (hoặc tối quá hoặc sáng quá). Một hình ảnh vừa đủ sáng và rõ nét thì biểu đồ sẽ có dạng hình quả núi với đỉnh nằm trong khu vực sáng trung bình và thoải dần sang tận gốc hai bên trái phải của đồ thị. Lưu ý: - Histogram chỉ là một phương án hỗ trợ khi bạn không nhìn thấy tốt bức ảnh trên màn hình LCD ví dụ dưới ánh mặt trời sáng, nơi có độ sáng phức tạp… Quan trọng nhất vẫn là bạn nhìn trực tiếp vào bức ảnh và kinh nghiệm của bạn. Biểu đồ Histogram biểu thị ánh sáng tăng dần từ trái qua phải. Hầu hết các máy ảnh hiện nay thì trục sáng tối được chia làm 5 phần đều nhau thể hiện khoảng sáng (tối) ở khu vực đó và ta có thể gọi mỗi khoảng này là một stop. Khoảng ở giữa có mức sáng trung bình tức là có màu tương đồng mới màu ghi 18% gọi là stop 0. Hắt dần sang bên trái của khoảng này thì màu càng tối (tối nhất giá trị 0) – lần lượt theo ảnh minh họa bên dưới là stop -1 và stop -2 và hắt dần sang phải thì càng sáng (sáng nhất giá trị 255) – lần lượt theo ảnh minh họa bên dưới là stop +1 và stop +2. Biểu đồ Histogram biểu thị ánh sáng tăng dần từ trái qua phải Dưới đây chúng tôi minh họa bằng hình ảnh cụ thể để các bạn hình dung dễ hơn. Ảnh chụp Biểu đồ Histogram tương ứng Stop 0: Ảnh có độ sáng vừa đủ Stop -2: Ảnh rất tối, nhiều điểm mất nét Stop -1: Ảnh hơi tối nếu so với ảnh trung bình, một vài điểm bị mất nét Stop +1: Ảnh sáng hơn so với ảnh trung bình Stop +2: Ảnh quá sáng so với trung bình, nhiều điểm do sáng quá nên không thật Tùng Anh

Lịch Sử Ống Kính EF của Canon [Phần 2]

Vào Tháng 4, 2014, quá trình sản xuất tích lũy của ống kính EF của Canon đạt kỷ lục 100 triệu chiếc. Hệ thống ngàm mới chiếm được sự tin tưởng của các nhiếp ảnh gia với chức năng điều khiển cơ học đã hoàn toàn bị loại khỏi ngàm FD truyền thống bằng cách nào? Phần 2 của loạt bài viết này cung cấp thêm thông tin cho bạn về lịch sử của quá trình phát triển này. (Người trình bày: Kazunori Kawada)   Giai đoạn 2: Kỷ Nguyên Phát Triển – Sự Khai Sinh của Thời Đại Kỹ Thuật Số Vào tháng 4, 1991, ba ống kính TS-E (24mm, 45mm, và 90mm) ra mắt, tất cả điều được tích hợp một cơ chế dịch chuyển ngoài cơ chế điều khiển nghiêng. Tuy nhiên, sự đột phá lớn nhất là sự ra đời hệ thống điều chỉnh khẩu độ tự động trên ống kính kiểu nghiêng-dịch chuyển lần đầu tiên. Đối với ống kính kiểu nghiêng-dịch chuyển, cho phép bẻ cong trục quang, khó di chuyển hệ thống khẩu độ bằng cơ học từ thân máy. Cho đến lúc đó, phương thức truyền thống là xác định nét ở khẩu độ tối đa và thực hiện những điều chỉnh nghiêng-dịch chuyển cần thiết trước khi khép khẩu theo cách thủ công đến giá trị mong muốn. Ống kính TS-E, ngược lại, sử dụng một ‘Màn Chắn Điện Từ (EMD)’, màn chắn này được trang bị một bộ phát động trên ống kính để vận hành khẩu độ, nhờ đó cho phép điều chỉnh khẩu độ tự động ngay cả khi ống kính đang được nghiêng hay dịch chuyển. Khi cần điều chỉnh khẩu độ bằng tay, tôi thường quên bước này trong khi chụp, và kết cục là ảnh quá sáng đáng kể. Những sai lầm như thế không còn xảy ra với cơ chế điều chỉnh khẩu độ tự động của ống kính TS-E. Điều này là có thể nhờ vào việc sử dụng một ngàm điều chỉnh bằng điện tử hoàn toàn với cơ chế điều chỉnh cơ học bị loại bỏ hoàn toàn trên ngàm ống kính. Mặc dù người mới chụp ảnh có thể không quen sử dụng ống kính TS-E và chức năng nghiêng-dịch chuyển, chúng là những tính năng thiết yếu đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chuyên chụp kiến trúc, nội thất, hoặc sản phẩm. Sự cố gắng đưa những ống kính đó vào thị trường phù hợp trong dòng ống kính EF là một trong những lý do tại sao các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp rất tin tưởng các sản phẩm của Canon. Đặc Điểm 1 của Ống Kính EF – Image Stabilizer (IS) Canon là hãng đầu tiên giới thiệu thành công chức năng Image Stablilizer đưa vào sử dụng thương mại trên ống kính SLR thay đổi được. Cơ chế cơ bản ngày nay vẫn không thay đổi, với một nhóm cảm biến con quay hồi chuyển được dùng để phát hiện rung máy, hiện tượng này sau đó được bù trừ bằng một hệ thống khắc phục quang học. Vào năm 1995, Canon ra mắt ống kính ‘EF75-300mm f/4-5.6 IS USM’, ống kính thay đổi được đầu tiên trên thế giới cho máy ảnh SLR được trang bị tính năng ‘Image Stabilizer (IS)’. IS hoạt động bằng cách phát hiện rung máy bằng các cảm biến con quay hồi chuyển, và bù hiện tượng rung máy bằng cách di chuyển nhóm thấu kính để điều chỉnh quang học có tác dụng tương đương hai stop tốc độ cửa trập. Người dùng đã say mê với sự xuất hiện của tính năng tiện lợi này mà họ từng ao ước, vì nó giúp giải phóng nhiếp ảnh gia khỏi sự cồng kềnh của chân máy khi chụp ở các cảnh thiếu sáng. Kể từ đó, tính năng IS đã được áp dụng trên các ống kính EF được ra mắt sau này. Ngoài ống kính IS, Canon cũng lần đầu tiên thương mại hóa thành công việc sử dụng nhiều loại ống kính khác trong EF series, chẳng hạn như các ống kính chỉ gồm có các thấu kính không chì, thân thiện với môi trường, và ‘ống kính DO’ được tích hợp ‘Thấu Kính Nhiễu Xạ Nhiều Lớp’, giúp đạt được thiết kế nhỏ gọn và hiệu suất cao. Ống kính EF lịch sử 1 – EF75-300mm f/4-5.6 IS USM   Đây là ống kính đầu tiên được tích hợp tính năng Image Stablilizer (IS), giúp bù rung máy một cách đáng kinh ngạc trong khi chụp tele với hiệu ứng chỉnh sửa tương đương khoảng hai stop tốc độ cửa trập. Tính năng này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người yêu thích nhiếp ảnh vì khả năng giảm số lượng ảnh không thành công của nó.     Đặc Điểm 2 của Ống Kính EF – Thấu Kính Nhiễu Xạ Nhiều Lớp (DO) Thấu Kính Nhiễu Xạ Một Lớp, Cách Từ Nhiễu Xạ Ống Kính DO Ba Lớp Ánh Sáng Tới (Ánh Sáng Trắng) Ánh sáng nhiễu xạ thừa xuất hiện Hầu như tất cả ánh sáng tới lúc này đều có thể sử dụng được để chụp ảnh Ánh sáng nhiễu xạ có thể sử dụng được để chụp ảnh Ánh sáng nhiễu xạ gây lóa Thấu kính DO có khả năng kiểm soát đường đi của ánh sáng bằng cách sử dụng hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng, hiện tượng này xuất hiện khi ánh sáng đi qua cạnh của một chướng ngại vật. Đạt được một thiết kế nhỏ gọn và hiệu suất cao với các đặc điểm của thấu kính fluorite và một thấu kính phi cầu kết hợp trong một thấu kính duy nhất. Ống kính EF lịch sử 2 – EF400mm f/4 DO IS USM   Với việc sử dụng một thấu kính DO, Canon đã phát triển hành công ống kính nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ này, có thông số đáng kinh ngạc với khẩu độ nhỏ f/4 và độ dài tiêu cự chụp tele là 400mm. Ống kính EF400mm f/4 DO IS USM rất hữu ích khi cần tính di động, chẳng hạn như chụp ảnh thể thao. Tính năng IS cũng được tích hợp để giúp dễ chụp cầm tay.   Kazunori Kawada Sinh tại Quận Kanagawa vào năm 1961. Sau bốn năm làm trợ lý cho nhiếp ảnh gia Koichi Saito, Kawada trở thành nhiếp ảnh gia tự do vào năm 1997. Hiện nay, công việc của anh xoay quanh các bài đánh giá nhiếp ảnh cho các tạp chí máy ảnh và các ấn phẩm khác.

Lịch Sử Ống Kính EF của Canon [Phần 1]

Giai đoạn 1: Buổi Đầu – Sự Khai Sinh của Ngàm Điện Tử Hoàn Toàn Vào tháng 3, 1987, Canon công bố ‘EOS 650′, máy ảnh Canon đầu tiên được tích hợp hệ thống AF chuyên nghiệp. Sản phẩm này cũng đánh dấu sự khai sinh của ống kính EF. Tôi vẫn có thể nhớ lại trước khi EOS series ra đời, mối bận tâm lớn nhất của người dùng Canon là liệu Canon sẽ có những thay đổi đối với các tiêu chuẩn ngàm FD đã có hay không. Cho đến lúc đó, ngàm FD được sử dụng trên máy ảnh Canon trước EOS series đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nhiếp ảnh gia nghiệp dư nâng cao. Quan điểm của đa số mọi người là việc phát triển một hệ thống AF là không có khả năng cần phải thay đổi các tiêu chuẩn ngàm ống kính. Tuy nhiên, ngược lại với dự kiến của mọi người, Canon đã chọn ngưng sử dụng ngàm FD truyền thống với việc áp dụng một tiêu chuẩn ngàm EF hoàn toàn mới cho EOS series của mình. Quyết định này làm thất vọng những người dùng nào sở hữu lượng lớn ống kính FD, một số thậm chí còn xem đó là hành động ‘phản bội’. Hiện nay, nhiều năm sau khi ra đời, gần như không thể tìm được bất kỳ người dùng nào không đồng ý rằng quyết định của Canon là chính xác. Đặc Điểm 1 của Ống Kính EF – Thấu Kính Phi Cầu Ống kính phi cầu có khả năng chỉnh méo và đạt được thiết kế nhỏ gọn. Canon đã sử dụng chúng rất sớm từ năm 1971. Có bốn phương pháp sản xuất đã được lập ra lần lượt để sản xuất các thấu kính mờ và bóng, thấu kính thủy tinh đúc, thấu kính nhựa đúc, và thấu kính phi cầu đúc. Ngàm EF mới là một hệ thống ngàm điều khiển điện tử hoàn toàn, nó hoàn toàn loại bỏ cơ chế điều phối cơ học chẳng hạn như vận hành khẩu độ và truyền gửi giá trị khẩu độ, và thực hiện giao tiếp với thân máy ảnh thông qua tín hiệu điện. Việc sử dụng thiết kế ngàm mới không chỉ nhằm giới thiệu một hệ thống AF. Nó là một nỗ lực mang tính cách mạng, cân nhắc những cải tiến trong tương lai của máy ảnh. Trong khi tất cả máy ảnh AF SLR của các đối thủ của Canon đều có một môtơ tích hợp vào thân máy, Canon nổi tiếng về việc sử dụng một môtơ trong ống kính cho ống kính EF. Ngày nay, hầu như tất cả các hãng sản xuất máy ảnh đều sử dụng một môtơ trong ống kính để vận hành cơ chế AF, một minh chứng cho sự nhìn xa trông rộng của Canon. Mặc dù chỉ có một vài ống kính trong dòng ống kính này ngay sau khi ngàm ống kính mới được phát triển, ngay lập tức một hệ thống ống kính EF vững chắc đã được sản xuất với sự ra đời sau đó của ống kính USM, giúp có thể vận hành AF hầu như không ồn với việc sử dụng một ‘môtơ siêu âm’, cũng như ‘EF50mm f/1.0L USM’ và các ống kính siêu nhanh khác với đường kính ngàm ống kính lớn hơn đáng kể so với ngàm FD. Đặc Điểm 2 của Ống Kính EF – Thấu Kính Fluorite Thấu kính fluorite hữu ích trong việc chỉnh sắc sai. Vào cuối thập niên 1960, Canon đã phát triển thành công một công nghệ tinh thể hóa nhân tạo để sản xuất các thấu kính fluorite cho dòng ống kính cao cấp, chẳng hạn như ống kính L. Đây là một nỗ lực có một không hai khác của Canon, vì hầu như không có hãng sản xuất máy ảnh nào khác vào lúc đó sử dụng các thấu kính fluorite cho ống kính máy ảnh SLR của họ. Đặc Điểm 3 của Ống Kính EF – Thấu Kính UD Thấu kính UD được Canon phát triển vào cuối những năm 1970. Thấu kính UD cũng được sử dụng để chỉnh sắc sai giống như thấu kính fluorite, với hai thấu kính UD có tác dụng điều chỉnh tương đương như một thấu kính fluorite. Vào thập niên 1990, Canon phát triển thành công ‘thấu kính super UD’, giúp tăng mức hiệu suất hơn nữa. Đặc Điểm 4 của Ống Kính EF – Môtơ Siêu Âm (USM)   USM Dạng Vòng Micro USM   Hầu như mọi hãng sản xuất ngày nay đều sử dụng môtơ siêu âm (USM) để vận hành cơ chế AF. Tuy nhiên, Canon là hãng đầu tiên tích hợp USM vào ống kính EF. Ban đầu chỉ có ‘USM dạng vòng’, chỉ có thể sử dụng cho các ống kính có đường kính lớn. ‘Micro USM’ nhỏ gọn hơn được phát triển sau để sử dụng trên các ống kính có đường kính nhỏ hơn. Kazunori Kawada Sinh tại Quận Kanagawa vào năm 1961. Sau bốn năm làm trợ lý cho nhiếp ảnh gia Koichi Saito, Kawada trở thành nhiếp ảnh gia tự do vào năm 1997. Hiện nay, công việc của anh xoay quanh các bài đánh giá nhiếp ảnh cho các tạp chí máy ảnh và các ấn phẩm khác.

[Phần 4] Những Điểm Cơ Bản Về Bố Cục! “Bố Cục Đường Chéo” và “Bố Cục Quy Tắc Phần Ba”

Chúng ta hãy xem xét “Bố Cục Đường Chéo” và “Bố Cục Quy Tắc Phần Ba” trong [Phần 4] của loạt hội thảo về bố cục. Hai Quy Tắc bố cục này đã được nghiên cứu từ lâu, ngay cả trước khi ra đời ngành nhiếp ảnh. Chúng được sử dụng rộng rãi từ thời đại hội họa nhưng cũng rất hiệu quả trong nhiếp ảnh. Quy Tắc bố cục được giới thiệu trong loạt bài viết này là lý tưởng cho những ai chưa từng chú ý đến bố cục khi chụp ảnh. Chúng ta hãy tìm hiểu những điểm cơ bản bằng cách sử dụng các hình minh họa và ảnh ví dụ. (Người trình bày: Tatsuya Tanaka)   “Bố Cục Đường Chéo” Làm Nổi Bật Chuyển Động và Độ Sâu Đặt đối tượng lên đường chéo Tạo ra một bố cục đường chéo với cái cây ở nền trước làm điểm nhấn.   Đường Màu Đỏ: Đường Chéo Trong ví dụ này, tôi đã chụp cây dương xỉ mọc trên một con dốc với thác nước làm nền sau. Trong khi đường thẳng con dốc được sử dụng ở đây để tạo ra một bố cục đường chéo, điểm chính là đặt cái cây dương xỉ bên dưới đường chéo.     “Bố Cục Đường Chéo” nhấn mạnh phối cảnh Bố cục đường chéo được sử dụng để bố trí các yếu tố trong một ảnh dựa trên một đường chéo. Ví dụ như, bạn có thể sử dụng các đường chéo được tạo bởi sườn núi, dòng sông, hay một con đường để nhấn mạnh phối cảnh, nhờ đó làm nổi bật chuyển động cũng như độ sâu trong ảnh. Một cách dễ dàng để tạo ra bố cục đường chéo là chụp một thác nước hoặc cầu thang từ một bên sao cho dễ nhận thấy độ chéo hơn. Nhưng một kỹ thuật khác là sử dụng hai đường chéo giao nhau tạo thành một hình chữ “X” để thu hút sự chú ý của người xem vào điểm giao. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc bao gồm một đường chéo cố ý quá mức có thể dẫn đến một bố cục đơn điệu chỉ chia ảnh thành hai. Dùng các đường thẳng trên một bề mặt núi. Đường Màu Đỏ: Đường Chéo Tôi tình cờ gặp một ngọn núi dốc vào cuối thu, và dùng một ống kính chụp xa để chụp được phong cảnh gần hơn. Ở đây, tôi điều chỉnh đường chéo với một số đường thẳng trên bề mặt núi, và điều chỉnh bố cục sao cho bề mặt núi chiếm một phần lớn hơn so với nền sau.     Thu hút sự chú ý bằng các đường chéo giao nhau. Đường Màu Đỏ: Đường Chéo Giao hai đường chéo giúp thu hút sự chú ý của người xem. Đồng thời, bạn có thể tạo ra một điểm nhấn bằng cách di chuyển đối tượng bạn muốn đặt lên đường chéo ở bên trên, bên dưới hoặc bên trái hay bên phải. Trong ví dụ này, hình chữ “X” được tạo thành bởi thân và cánh máy bay nằm ở phía trên của ảnh.     Thủ thuật: Chú ý sự bố trí đường chéo Để tránh dẫn đến một bố cục chỉ chia ảnh ra thành hai, bạn chỉ cần phải làm lệch đường chéo so với tâm. Ngoài ra, có thể có được một bố cục ổn định hơn bằng cách tạo ra nhiều không gian hơn ở bên dưới đường chéo. “Bố Cục Quy Tắc Phần Ba” là Có Cân Bằng Tốt Nhất Đặt đối tượng trên một điểm giao Đặt hai đóa hoa lên hai điểm giao. Vòng tròn màu đỏ: Các điểm giao Ở đây, tôi đặt hai đóa hoa dâm bụt mọc kế nhau lên hai điểm giao ở nửa dưới của ảnh trong một bố cục Quy Tắc Phần Ba. Đồng thời, tôi bao đưa vào một đóa hoa thứ ba ở phía sau trong bóng râm để làm nổi bật độ sâu. Như minh họa, bố cục Quy Tắc Phần Ba rất tiện lợi trong nhiều cảnh khác nhau.     Bố cục Quy Tắc Phần Ba được giảm một cách hiệu quả. Vòng tròn màu đỏ: Các điểm giao Những chú bò rải rác trên đồng đang thong thả gặm cỏ. Tôi chọn ba điểm nổi bật nhất, và đặt chúng lên các điểm giao của bố cục Quy Tắc Phần Ba để có được một tấm ảnh có cân bằng tốt.     Chia màn hình ra thành 9 phần để sử dụng các điểm giao cho “Bố Cục Quy Tắc Phần Ba” Bố cục Quy Tắc Phần Ba là một trong những kỹ thuật thường được sử dụng nhất. Chia màn hình ra thành chín phần bằng nhau bằng hai đường ngang và hai đường dọc, và đặt chủ đề chính gần một trong các điểm giao giữa các đường thẳng. Bạn có thể có được một bố cục ổn định bằng cách đặt đối tượng như minh họa trong ảnh tủ trưng bày bên dưới để chia bố cục thành tỉ lệ 6:3. Cũng thường được sử dụng với bố cục Quy Tắc Phần Ba là bố cục chia đôi. Kỹ thuật này chia màn hình thành hai phần bằng nhau theo chiều dọc hoặc chiều ngang, và thường được sử dụng ở các thể loại như chụp ảnh phong cảnh. Việc chia màn hình theo chiều dọc hoặc chiều ngang giúp dễ tạo ra cảm giác ổn định hơn. Tuy nhiên, lưu ý các đối tượng có thể dẫn đến những ảnh đơn điệu. Áp Dụng “Quy Tắc Phần Ba” Chia ảnh thành các phần khác nhau dùng bố cục Quy Tắc Phần Ba. Đặt tường ở nền sau ở đây (khu vực đánh dấu màu đỏ) Trong ảnh chụp cửa sổ trưng bày này, ảnh được chia theo chiều dọc thành ba phần, với bức tường trong nền trước được đưa vào phần ngoài cùng bên phải. Không phải lúc nào cũng cần phải chú ý đến các điểm giao.     Chụp phong cảnh đêm quyến rũ bằng bố cục chia hai. Một tấm ảnh khắc họa sự tăng màu của bầu trời và ánh sáng. Ở đây, tôi sử dụng bố cục chia hai để làm nổi bật độ tương phản một cách hiệu quả.     Thủ thuật: Cân nhắc vị trí đặt chủ đề chính và chủ đề phụ của bạn Đối với cả kỹ thuật bố cục Quy Tắc Phần Ba và bố cục chia hai, bạn có thể cải thiện sự hoàn hảo của tác phẩm nhiếp ảnh của mình bằng cách cân nhắc vị trí đặt chủ đề chính và phải làm gì với chủ đề phụ, thay vì chỉ đặt chủ đề lên một đường thẳng hay điểm giao.   Tatsuya Tanaka Sinh năm 1956, Tanaka là một trong các nhiếp ảnh gia hiếm hoi sáng tác các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau từ một phối cảnh bình thường. Những thể loại này là từ những thứ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chẳng hạn như côn trùng và hoa, đến phong cảnh, các tòa nhà cao tầng, và các thiên thể. Ngoài nhiếp ảnh, Tanaka cũng đã phát triển phương pháp riêng của mình trong các quy trình hậu xử lý bao gồm sửa ảnh và in ảnh.

21 kiểu tạo dáng trong chụp ảnh “gợi cảm”

Ảnh gợi cảm (glamour photography) là một trong những thể loại ảnh gần với ảnh nude và bán nude, hiện đang trở thành một xu hướng khi mà các phương tiện truyền thông và ngành công nghiệp quảng cáo ngày càng khai thác mạnh các chủ đề "thời trang" và "sexy". Biết chụp loại ảnh này là nhu cầu của không ít tay máy. Với nhận thức dần "thoáng" hơn của công chúng về những gì có thể chấp nhận được, xu hướng này thúc đẩy nhu cầu về nhiếp ảnh gợi cảm tự nhiên trở nên phổ biến. Các studio chuyên chụp ảnh quyến rũ đang mở ra ngày càng nhiều với các nhiếp ảnh gia làm việc cùng với các chuyên gia tạo mẫu tóc chuyên nghiệp và các nghệ sĩ trang điểm để mang lại trải nghiệm là "người mẫu thời trang" cho các khách hàng của họ. Rất nhiều phụ nữ ở nhiều lứa tuổi tìm đến dịch vụ này để ghi lại một thời xuân sắc. Nhiếp ảnh gợi cảm hoặc nhiếp ảnh quyến rũ đều chủ yếu tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, bằng trang phục và phụ kiện, bằng các kiểu tóc và trang điểm, bằng đèn flash và tạo dáng, bằng các ý tưởng và cách thể hiện tâm trạng…, mỗi yếu tố đều góp phần của mình vào sự khác biệt của bức ảnh. Để có những bức ảnh quyến rũ và gợi cảm, nhiếp ảnh gia chụp loại ảnh này phải nghiên cứu và trải nghiệm nhiều, dựa trên sự thay đổi và kết hợp các yếu tố trên. Các mẫu tạo dáng trong bài viết này là phần tiếp theo trong chuỗi bài các tư thế tạo dáng trong chụp ảnh chân dung VnReview đã giới thiệu, phỏng theo các mẫu tạo dáng do tác giả Kaspars Grinvalds cung cấp trên trang posingapp.com (hiện có ứng dụng trên Apple Store) và được giới thiệu bởi Digital-Photography School. Bạn có thể sử dụng các mẫu tạo dáng này như là điểm khởi đầu, ý tưởng cho những shot hình chụp chân dung gợi cảm của bạn, từ đó bạn có thể tự sáng tạo thêm. 1. Một mẫu tạo dáng khởi đầu khá tốt cho một bức ảnh gợi cảm, phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau: người mẫu có thể nằm trên giường, trên mặt đất, trên thảm cỏ, hoặc trên một bãi biển đầy cát trắng. 2. Chỉ là một biến thể khác khi người mẫu ở tư thế nằm sấp xuống, có thể áp dụng với hầu hết các dạng cơ thể, dễ che các khiếm khuyết của cơ thể.   3. Kiểu tạo dáng này khá dễ thương, được chụp từ một góc thấp. Hãy đề nghị người mẫu giữ cho phần trên cơ thể hơi nâng lên, nhưng phần đầu hơi nghiêng xuống, hai chân co và các ngón chân hướng lên trên một cách duyên dáng. 4. Với kiểu tạo dáng này, bạn cần để ý một số chi tiết trước khi chụp: cánh tay chống lên phải tách ra khỏi phần thân trên của người mẫu để lộ rõ hơn đường nét cơ thể, chú ý cơ bụng của người mẫu không được lộ rõ hoặc ở góc nhìn xấu, hai chân để duỗi dài với chân phía trên hơi co lại một cách tự nhiên. Kiểu tạo dáng này chỉ thích hợp với người có cơ thể mảnh mai. 5. Kiểu ảnh này sẽ không dễ chụp, để chụp thành công, bạn phải chú ý rà soát tất cả các bộ phận cơ thể - bàn tay, đầu, eo lưng (tránh nếp nhăn da), phần hông và cuối cùng là phần chân. 6. Đây là một kiểu tạo dáng dáng để chụp ngoài trời. Hãy đề nghị người mẫu của bạn nằm xuống, thể hiện đường cong của lưng và đôi chân co duỗi tự nhiên. 7. Mẫu tạo dáng này thích hợp với người mẫu nằm trên mặt đất. Phần trên cơ thể hơi nâng lên và ánh mắt người mẫu nhìn lại qua vai. Kiểu này có thể áp dụng với nhiều vóc dáng cơ thể khác nhau. Hãy thử các góc độ khác nhau và tìm vị trí tốt nhất bằng cách di chuyển từ từ xung quanh người mẫu. 8. Kiểu tạo dáng này khá dễ chụp và đơn giản, nhấn mạnh vẻ nữ tính của chủ thể. Bạn cũng có thể áp dụng kiểu này khi tạo một hình bóng trên nền sáng (kiểu chụp silhouette). 9. Đây là một mẫu tạo dáng tốt cho chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật, bạn có thể thay đổi các vị trí chân, tay và đầu khác nhau để có những kiểu ảnh mới. 10. Trong bức ảnh này, người mẫu cần ngồi trên cả hai chân và bàn chân nhưng chỉ ngồi nhẹ thôi, không được tì hẳn trọng lượng cơ thể lên chân, mắt người mẫu nhìn qua vai, tóc thả nhẹ. 11. Kiểu này cũng khá dễ chụp đẹp, áp dụng tốt với các mức thiết lập khác nhau, cả trong nhà và ngoài trời. Cũng thích hợp khi chụp đổ bóng trên nền sáng. 12. Đây sẽ là một kiểu ảnh rất đẹp nếu được thực hiện đúng cách. Việc định vị đôi chân chính xác là rất quan trọng. Áp dụng đặc biệt tốt với tất cả các loại vóc dáng cơ thể. Cũng lưu ý rằng bạn nên chụp từ một góc độ hơi cao. 13. Bức ảnh này thì khá khó chụp, vị trí chân là yếu tố quyết định cho kết quả tốt. Cẩn thận hướng dẫn người mẫu của bạn với các tư thế dự định. Nhớ rằng đôi giày cao gót là điểm nhấn cho kiểu ảnh này. 14. Một tư thế tạo dáng đơn giản mà gợi cảm. Hãy chắc chắn rằng khuôn mặt của người mẫu không bị che lấp bởi tay hoặc vai, ánh mắt nhìn xuống cơ thể, giúp tạo ra tâm trạng đặc biệt lãng mạn. Phần khuỷu tay nâng lên nên hướng ra khỏi máy ảnh, nghĩa là không nhìn thấy đầu khuỷu tay. 15. Nếu thành công, kiểu tạo dáng này rất nữ tính và tinh tế. Hãy nhớ rằng nhiếp ảnh gợi cảm hay khỏa thân đều không loại trừ việc sử dụng một số đạo cụ. Đôi khi chỉ một mảnh vải đơn giản cũng có thể là một phụ kiện tuyệt vời cho một bức ảnh thuộc chủ đề này. Như vậy, người mẫu có thể che đi một phần cơ thể. 16. Một trong những "đạo cụ" hữu ích để tạo ra những bức ảnh khác biệt là một bức tường (hoặc cũng có thể là một vật nào khác có tính chất tương tự, như một gốc cây, cầu thang…). Bức tường được sử dụng để người mẫu có thể tì tay lên, hoặc dựa lưng, chống chân… 17. Kiểu ảnh này chụp toàn thân người mẫu tựa vào tường. Bạn có thể ứng dụng để chụp từ nhiều góc độ khác nhau. 18. Đây là một biến thể của kiểu ảnh trên, bạn thay đổi góc chụp và chụp từ phía sau. 19. Một kiểu tạo dáng tinh tế dành cho những người mẫu có thân hình mảnh mai và săn chắc. Từ kiểu này bạn có thể linh hoạt thay đổi các tư thế của chân, tay, đầu…, nhưng cần lưu ý người mẫu tạo dáng sao cho đường cong cơ thể tạo thành hình chữ S, xoay hông và thay đổi vị trí tay. Hãy để cô ấy quay đầu theo những hướng khác nhau. 20. Sử dụng một tấm vải mỏng nhẹ để làm đạo cụ trong kiểu tạo dáng này, bạn sẽ nhận được những bức ảnh lãng mạn. Sẽ rất tuyệt vời nếu ảnh được chụp ở ngoài trời trong thời tiết gió lộng. 21. Một ý tưởng tốt cho nhiếp ảnh gợi cảm, đó là chụp trên một cánh đồng rộng lớn với không gian mở, ví dụ như một cánh đồng ngô hoặc đồng cỏ hoa dại hoặc thậm chí trong một khung cảnh hoang vắng. Cũng với một tấm vải làm đạo cụ, bạn sẽ có một số bức ảnh thú vị và duyên dáng. Xin nhắc lại, mỗi mẫu tạo dáng được giới thiệu ở đây chỉ là gợi ý ban đầu để từ đó bạn có thể sáng tạo thêm. Hãy luôn động viên để người mẫu của bạn có thể biểu hiện khuôn mặt khác nhau, những nụ cười, cách quay đầu, tay và vị trí chân, xoay người, thay đổi trọng tâm cơ thể... Ngoài ra, luôn luôn ghi nhớ để chụp từ các góc độ khác nhau (từ trên xuống, từ dưới lên, phải và trái), hãy thử thay đổi khoảng cách của bạn đến chủ đề, thay đổi kiểu chiếu sáng, hãy thử các loại crop để có bức ảnh mong muốn. Sau tất cả, luôn thử và rút kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn. Đông Phong